Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "2016 là năm u ám của ngành lúa gạo"

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2016 được xem là một năm u ám đối với ngành lúa gạo Việt Nam, xuất khẩu gạo trì trệ kéo theo giá lúa, gạo liên tục giảm.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "2016 là năm u ám của ngành lúa gạo" ảnh 1Bốc xếp gạo phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Năm 2016 được xem là một năm u ám đối với ngành lúa gạo Việt Nam, với xuất khẩu gạo trì trệ kéo theo giá lúa, gạo liên tục giảm.

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường về tình hình phát triển ngành hàng lúa gạo trong năm ​2016.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận rằng, năm 2016 sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Diễn biến thời tiết phức tạp từ đợt rét đậm, rét hại đầu năm tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, hạn hán trên diện rộng, xâm nhập mặn kéo dài ở các tỉnh miền Nam đến những đợt mưa lũ liên tục tại các tỉnh miền Trung đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất nông nghiệp của các địa phương.

“Thị trường xuất khẩu nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhu cầu và giá cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giảm, đặc biệt là ngành lúa gạo. Ngoài ra, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi vẫn xảy ra ở một số nơi, giá vật tư đầu vào, phân bón tăng cao... đã ảnh hưởng mạnh đến kết quả hoạt động và thực hiện kế hoạch của toàn ngành,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 12/2016 ước đạt 399.000 tấn với giá trị đạt 181 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo năm 2016 ước đạt 4,88 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015.

Thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam nhiều nhất trong 11 tháng của năm 2016

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng của năm 2016 với 35,9% thị phần. Tuy nhiên, khoảng thời gian này chỉ đạt 1,61 triệu tấn và 722,2 triệu USD, giảm 20,5% 11 về khối lượng và giảm 11,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam là Ghana, trong 11 tháng của năm 2016 với 11,1% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này 11 tháng của năm 2016 đạt 452.500 tấn và 222,3 triệu USD, tăng 28,8% về khối lượng và tăng 24,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh là Philippines (giảm 65%), Malaysia (giảm 48,1%), Hoa Kỳ (32,9%), Singapore (giảm 30,7%), Indonesia (giảm 21,9%), Bờ Biển Ngà (giảm 21,5%), và Hong Kong (giảm 19%).

Trong khi đó, thị trường giá lúa, gạo tháng 12/2016 trong nước tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long biến động tăng nhẹ trong không khí giao dịch ảm đạm.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, giá gạo xuất khẩu có tăng nhẹ do thông tin Philippines sẽ mua gạo Việt Nam trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục