Ngày 11/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định chưa thấy bằng chứng về sự suy giảm tín dụng, mặc dù có lo ngại rằng các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể khó vay vốn hơn sau những bất ổn gần đây của ngành ngân hàng.
Phát biểu trên được bà Yellen đưa ra trong bối cảnh Hội nghị mùa Xuân 2023 của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang diễn ra tại thủ đô Washington, với sự tham gia của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương.
Chương trình nghị sự tập trung vào nỗ lực tăng trưởng toàn cầu và tái cơ cấu nợ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhận định ở thời điểm này chưa có bằng chứng cho thấy sự suy giảm về tín dụng.
Bà Yellen cũng bày tỏ lạc quan về quá trình tái cơ cấu nợ toàn cầu, đồng thời cho rằng nguy cơ suy giảm tín dụng có thể xảy ra, cùng với nguy cơ suy thoái kinh tế.
Dự kiến trong tuần này, các bộ trưởng của các quốc gia chủ nợ và quốc gia đi vay, cũng như đại diện của các chủ nợ tư nhân, sẽ tham dự hội nghị bàn tròn về vấn đề nợ công toàn cầu.
Nội dung thảo luận tập trung vào các cách thức nhằm duy trì động lực để thúc đẩy các ngân hàng phát triển đa phương ứng phó tốt hơn với các thách thức hiện nay.
Bà Yellen cho biết bà sẽ thảo luận về những điều chỉnh đối với Khuôn khổ chung cho các quốc gia có thu nhập thấp và quy trình xử lý nợ ở phạm vi rộng hơn.
Trước đó, ngày 7/4, bà Yellen bày tỏ hy vọng sẽ có những nét mới trong nhiệm vụ cốt lõi của thể chế tài chính đa phương này nhằm hỗ trợ các nước xây dựng năng lực ứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, đại dịch, xung đột.
Quan chức tài chính Mỹ nhấn mạnh những thách thức này không tách biệt hay mâu thuẫn với nhau mà trái lại, chúng có sự liên kết chặt chẽ.
Trước đó cùng ngày, IMF đưa ra dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 2,8% trong năm 2023, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Một vừa qua.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới được công bố, IMF nhận định: "Ngày càng khó để nền kinh tế thế giới quay trở lại bắt kịp với đà tăng trưởng vốn chiếm ưu thế trong giai đoạn trước năm 2022."
IMF cho rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ duy trì ở mức gần 3% trong 5 năm tới, mức dự báo trong trung hạn thấp nhất kể từ những năm 1990.
[Mỹ thúc đẩy các ngân hàng tham gia giải quyết khủng hoảng toàn cầu]
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva hồi tuần trước cho biết gần 90% các nền kinh tế phát triển trên thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay, trong khi các thị trường mới nổi ở châu Á dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng đáng kể, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc được cho là chiếm 50% tổng mức tăng trưởng.
Các quốc gia thu nhập thấp dự kiến sẽ phải hứng chịu cú sốc kép do chi phí đi vay cao hơn và nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của các nước này giảm, điều mà bà Georgieva cho rằng có thể gây ra tình trạng nghèo đói.
Bà Georgieva cũng cho rằng các ngân hàng trung ương nên tiếp tục ngăn chặn lạm phát thông qua việc tăng lãi suất bất chấp những lo ngại rằng điều này có thể gây thêm căng thẳng cho lĩnh vực ngân hàng.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 10/4, Chủ tịch WB David Malpass cho rằng WB đã tăng nhẹ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay từ mức 1,7% đưa ra trong tháng Một lên 2% với lý do là nhờ việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế.
WB cũng cảnh báo triển vọng u ám đối với các nền kinh tế nghèo nhất khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại, trong khi nhiều nước phải vật lộn với gánh nặng nợ và đầu tư yếu.
Trước thềm hội nghị Hội nghị mùa Xuân 2023, IMF và WB cũng đã kêu gọi các quốc gia giàu có hơn giúp lấp "lỗ hổng" 1,6 tỷ USD trong quỹ cho vay ưu đãi đối với các nước thu nhập thấp vốn được sử dụng nhiều trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19.
Nhiều nước thu nhập thấp hiện đang đối mặt với gánh nặng nợ nần chồng chất, trong đó một phần nguyên nhân là do lãi suất cao hơn, vấn đề được cho là cũng dẫn đến tình trạng các dòng vốn chảy ra khỏi nhiều quốc gia cần đầu tư nhất./.