Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước phối hợp xử lý nợ xấu

Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động ngân hàng, đặc biệt là vấn đề xử lý nợ xấu.
Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước phối hợp xử lý nợ xấu ảnh 1Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (phải) và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại buổi lễ ký kết quy chế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều 17/3, tại Hà Nội, diễn ra lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự. Việc ký kết nhằm tăng cường hiệu quả công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động ngân hàng, góp phần thực hiện mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về xử lý nợ xấu của hệ thống tín dụng xuống dưới 3% trong năm 2015.

Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện hiệu quả công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng là cơ sở quan trọng giúp tổ chức tín dụng thu hồi nợ, giảm nợ xấu, đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, theo khảo sát về công tác thi hành án cho tổ chức tín dụng của Bộ Tư pháp, nhìn chung kết quả thi hành án dân sự cho tổ chức tín dụng còn rất thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Quy chế quy định theo định kỳ hai bên phối hợp tổ chức thực hiện kiểm tra công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động ngân hàng; rà soát, tổng hợp kết quả phân loại, kết quả thi hành án, xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành án, có biện pháp giải quyết cụ thể các khó khăn vướng mắc của tổ chức tín dụng phát sinh trong công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.

Phát biểu sau lễ ký, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói: “Quy chế có thời hạn 5 năm, việc ký thỏa thuận này tuy hơi chậm so với chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội nhưng đã là sự cố gắng của hai bên. Tôi đã rà soát lại để đảm bảo việc ký kết đúng quy định và thúc đẩy cho nhiệm vụ chính trị mỗi ngành tốt hơn nữa; đặc biệt là trong giải quyết nợ xấu.”

Còn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thì nhìn nhận thời gian tới cả hai bên còn rất nhiều công việc phải triển khai. “Cụ thể về thi hành án, khi xuống các địa phương, thấy dồn toa ách tắc rất nhiều. Hai cơ quan là Tổng cục thi hành án và cơ quan thanh tra vụ pháp chế Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp làm sao để công tác xử lý nợ xấu ở các ngân hàng thương mại và các địa phương tiến triển,” Thống đốc nhấn mạnh.

Việc ký kết Quy chế phối hợp sẽ giúp Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp thực hiện hiệu quả hơn nữa các chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời sẽ tạo cơ sở phối hợp đẩy nhanh tốc độ, nâng cao hiệu quả và xử lý dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục