Bộ Xây dựng thu về hơn 1.320 tỷ đồng thoái vốn doanh nghiệp

Bộ Xây dựng đã thực hiện thoái vốn thành công 51 danh mục có giá trị đầu tư 1.301,9 tỷ đồng và thu về giá trị thực tế đạt 1.325,6 tỷ đồng, tương đương 25,2% kế hoạch đề ra.
Bộ Xây dựng thu về hơn 1.320 tỷ đồng thoái vốn doanh nghiệp ảnh 1(Ảnh minh họa: Anh Minh/TTXVN)

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong số 170 danh mục theo kế hoạch được phê duyệt thoái vốn với giá trị 5.256,4 tỷ đồng thì đến hết quý 2 đã thực hiện thoái vốn thành công 51 danh mục có giá trị đầu tư 1.301,9 tỷ đồng và thu về giá trị thực tế đạt 1.325,6 tỷ đồng, tương đương 25,2% kế hoạch đề ra.

Một số đơn vị có nhiều danh mục thoái vốn và đang tích cực thực hiện gồm Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội…

Hiện Bộ Xây dựng đã hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu của Tổng công ty LICOGI, trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa của Tổng công ty LILAMA, Xây dựng số 1 (CC1), Vật liệu Xây dựng số 1 (FiCO), công bố giá trị doanh nghiệp của Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) và một công ty con, đồng thời đang tiếp tục thẩm định để công bố giá trị doanh nghiệp các doanh nghiệp còn lại.

Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đang bám sát tiến độ đã đề ra. Dự kiến trong quý 4 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa và tiến hành thủ tục bán cổ phần lần đầu đối với các đơn vị còn lại.

Trong năm 2015 Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, gồm 9 tổng công ty. Trong số này có 5 doanh nghiệp chuyển tiếp từ năm 2014 gồm các đơn vị: LILAMA, COMA, CC1 và FiCO.

Cùng đó, 4 doanh nghiệp bắt đầu xác định giá trị doanh nghiệp từ năm 2015 gồm các Tổng công ty: Sông Đà, Phát triển nhà và đô thị (HUD), Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC), Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) và 8 công ty con cổ phần hóa cùng công ty mẹ và 2 công ty con cổ phần hóa riêng.

Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, Bộ Xây dựng cho rằng vẫn còn có một số khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ.

Nguyên nhân chính là do hầu hết các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng thực hiện cổ phần hóa trong năm 2015 đều có quy mô lớn, tổng tài sản đều trên 10.000 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước từ 1.000 đến 15.000 tỷ đồng, doanh nghiệp có nhiều tài sản là quyền sử dụng đất, nhà cửa, khu đô thị, khu công nghiệp, máy móc thiết bị xây dựng có giá trị cao, nhiều khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp… nên việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa rất phức tạp, đòi hỏi sự thận trọng và tốn nhiều thời gian.

Hơn nữa, một số vướng mắc về cơ chế chính sách trong cổ phần hóa như việc định giá các khoản đầu tư chưa niêm yết, việc phân định sở hữu chung, riêng tại các dự án nhà ở, việc xử lý tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp, quy trình tìm kiếm cổ đông chiến lược… cũng ảnh hưởng đến quá trình thực hiện cổ phần hóa.

Thêm một nguyên nhân khách quan khiến tỷ lệ lệ thoái vốn đạt thấp là do tình hình thị trường chứng khoán thời gian qua phục hồi chậm, nhiều hàng hóa được chào bán, cổ phiếu trong lĩnh vực xây dựng không hấp dẫn nhà đầu tư, một số khoản đầu tư không hiệu quả nên khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược quan tâm.

Mặc dù hiện nay đã có cơ chế cho phép thoái vốn dưới mệnh giá nhưng thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn, nhiều khoản đầu tư khi thực hiện đấu giá trên Sở giao dịch chứng khoán không thành công.

Bên cạnh đó, lãnh đạo một số doanh nghiệp chưa thực sự tập trung, rà soát, lập kế hoạch sát với thực tế để triển khai thực hiện thoái vốn có hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục