Bộ Y tế sửa đổi hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức tập huấn cập nhật các điểm mới của hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết cho tuyến dưới để cùng thực hiện góp phần giảm tỷ lệ tử vong do bệnh này.
Bộ Y tế sửa đổi hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết ảnh 1Bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh An Giang. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Ngày 11/10, thông tin từ Bộ Y tế cho biết qua nghiên cứu, kinh nghiệm điều trị bệnh sốt xuất huyết của các bệnh viện tuyến cuối, khuyến cáo của tổ chức quốc tế, Bộ Y tế đã sửa đổi, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả điều trị, hạn chế tỷ lệ tử vong.

Ngày 22/8/2019, Bộ Y tế đã có Quyết định số 3705/QĐ-BYT ban hành hướng dẫn chẩn đoán điều trị sốt xuất huyết Dengue sửa đổi để thay thế hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue ban hành năm 2011.

Ngày 11/10/2019, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức lớp tập huấn công tác điều trị bệnh dịch sốt xuất huyết Dengue và bệnh Whitmore cho 150 học viên thuộc cơ sở y tế của 26 tỉnh khu vực phía Bắc, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện bộ, ngành.

Tại lớp tập huấn các học viên được các giảng viên là bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam; tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương; thạc sỹ Nguyễn Quang Huy, Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, là các chuyên gia của các bệnh viện tuyến cuối về điều trị 150 học viên và bệnh Whitmore truyền đạt các kinh nghiệm trong công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue và Whitmore.

Tại lớp tập huấn, các chuyên gia cũng dành nhiều thời gian để trao đổi, trả lời các vướng mắc, khó khăn trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue và Whitmore.

[Kon Tum: Một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết Dengue]

Tiến sỹ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, nêu rõ trong giai đoạn hiện nay tình hình bệnh dịch sốt xuất huyết có xu hướng tiếp tục tăng, do đó số khám, điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh cũng gia tăng, gây tình trạng quá tải và nguy cơ tử vong trong bệnh viện.

Mục đích của lớp tập huấn là cập nhật các điểm mới của hướng dẫn để các học viên của lớp về cơ sở triển khai lại cho các đồng nghiệp và cho tuyến dưới cùng thực hiện góp phần giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả điều trị, hạn chế tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết Dengue, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Bố trí phòng khám lại, thời gian khám lại các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue vào các khung giờ phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh sốt xuất huyết Dengue và người bệnh khác.

Các cơ sở y tế cần tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết Dengue đang nằm nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue có diễn biến nặng lên, ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần tăng cường củng cố và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị sốt xuất huyết Dengue” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết; các cơ sở y tế phải bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc phải là HES 200 6% (trọng lượng phân tử 200.000 dalton).

Các cơ sở y tế có trách nhiệm cung cấp tài liệu, tư vấn, giải thích cho người bệnh hiểu để an tâm điều trị đúng tuyến, theo dõi phát hiện kịp thời các dấu hiệu cần khám lại, hạn chế quá tải các tuyến, sắp xếp không để người bệnh nằm ghép.

Đối với người bệnh đã ổn định về sức khỏe thì cần được tư vấn, giải thích nhằm chuyển người bệnh về tuyến dưới để theo dõi, chăm sóc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục