Bolivia-Trung Quốc hợp tác xây dựng 8 nhà máy sản xuất lithium

Bolivia và Trung Quốc nhất trí thành lập công ty liên doanh với kế hoạch dự định đầu tư gần 2,4 tỷ USD để công nghiệp hóa ngành sản xuất lithium, cùng nhiều khoáng sản khác.
Bolivia-Trung Quốc hợp tác xây dựng 8 nhà máy sản xuất lithium ảnh 1Quang cảnh tại lễ ký kết. (Nguồn: Reuters)

YLB, tập đoàn mỏ lithium nhà nước Bolivia, vừa thông báo đã ký kết thỏa thuận sơ bộ với TBEA- Baocheng của Trung Quốc để đầu tư xây dựng tám nhà máy khai thác và sản xuất lithium tại các mỏ muối ở vùng Andes của quốc gia Nam Mỹ này.

Thông cáo ngày 10/2 của YLB cho biết hai bên nhất trí thành lập công ty liên doanh với kế hoạch dự định đầu tư gần 2,4 tỷ USD để công nghiệp hóa ngành sản xuất lithium, cùng nhiều khoáng sản khác.

Dự kiến, YLB và TBEA- Baocheng sẽ thực hiện nghiên cứu cần thiết để xây dựng năm nhà máy sản xuất kali sunfat, lithium hydroxide, axit boric, bromine và natri bromide tại mỏ Coipasa, bang Oruco, với tổng mức đầu tư trên 1,3 tỷ USD.

Ngoài ra, YLB và TBEA- Baocheng cũng sẽ hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất pin sạc lithi-ion tại Trung Quốc. Các công trình này sẽ được triển khai song song với nhiều dự án khai thác lithium mà Chính phủ Bolivia đang phát triển tại mỏ Uyuni, một trong những mỏ muối lớn nhất thế giới.

[Chính sách đầu tư năng lượng sạch của Trung Quốc tạo ra nhiều cơ hội]

Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Bộ Công nghệ Năng lượng cao Bolivia Luis Alberto Echazú cho biết trước tiên hai bên sẽ tập trung phác thảo thiết kế tiền khả thi và sau đó mới đưa ra kế hoạch chi tiết cho việc xây dựng nhà máy. Công trình này cần 4-5 năm để thực hiện.

Theo ước tính đến năm 2025, Trung Quốc cần 800.000 tấn lithium mỗi năm. Quốc gia châu Á này hiện sản xuất hơn 30 triệu ôtô điện/năm, trong bối cảnh doanh số bán mặt hàng này của Trung Quốc tương đương sản lượng và doanh số bán ôtô điện tại Mỹ, Nhật Bản và Đức.

Trong khi đó, Bolivia có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới với ước tính khoảng 9 triệu tấn dạng muối, chủ yếu tập trung tại Uyuni. Bolivia dự kiến sản xuất ắcquy cho 100.000 ôtô điện mỗi năm và đang kỳ vọng phát triển ngành khai khoáng “kim loại của tương lai” này trở thành trụ cột của nền kinh tế như ngành khí đốt và đặt nền móng cho quá trình công nghiệp hóa đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục