Bom nổ chậm: Kịch chiến công thầm lặng của chiến sĩ công an

Nhà hát kịch Việt Nam đã bắt tay dựng vở kịch mới có tên gọi "Bom nổ chậm" ca ngợi chiến công thầm lặng của người chiến sĩ công an.
Bom nổ chậm: Kịch chiến công thầm lặng của chiến sĩ công an ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Tin tức)

Ngày 4/2, tại Hà Nội, Nhà hát kịch Việt Nam đã bắt tay dựng vở kịch mới có tên gọi "Bom nổ chậm".

Đây là kịch bản của tác giả Chu Thơm, đạo diễn, nghệ sỹ ưu tú Tuấn Hải sẽ đảm nhiệm việc dàn dựng vở cho các nghệ sĩ đoàn kịch 1 của Nhà hát kịch Việt Nam biểu diễn.

Tác phẩm này của Nhà hát sẽ tham dự Liên hoan “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân” lần thứ 3 diễn ra vào tháng 7/2015.

Nghệ sỹ ưu tú Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam cho biết "Bom nổ chậm" là kịch bản thứ 4 của tác giả Chu Thơm được Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng, biểu diễn.

Trước đó, Nhà hát kịch Việt Nam đã dựng vở "Chuyện làng Vũ Đại", "Thuyền lá", "Giai nhân và anh hùng". Kịch bản của tác giả Chu Thơm đã đáp ứng được tốt nhu cầu của Nhà hát trong bối cảnh khan hiếm kịch bản sân khấu hay như hiện nay.

“Bom nổ chậm” xoay quanh một vụ bắt cóc trẻ em với mục đích tống tiền mà thủ phạm lại chính là cha ruột đứa trẻ. Phiệt - một đại gia có tiếng nhưng vỡ nợ, bết bát sau mùa World Cup, đã cố tình bắt cóc chính con đẻ mình với nhiều lý do thấp hèn.

Anh ta yêu cầu Mẫn - cảnh sát hình sự điều tra án một cách bí mật và đổ thừa cho Mẫn vốn là người yêu cũ của Hường - vợ Phiệt hiện nay là cha đứa trẻ. Điều này đã gây nhiều mâu thuẫn hiểu lầm cho Lan, vợ Mẫn.

Cuối cùng, Mẫn và đồng đội của mình bằng nghiệp vụ và sự mưu trí dũng cảm đã phá án thành công, giải cứu được đứa trẻ, vạch trần tội lỗi xấu xa của Phiệt, bảo vệ chính hạnh phúc gia đình mình đang đứng trên bờ vực tan vỡ.


“Bom nổ chậm”
là câu chuyện giữa cuộc sống đời thường và mang một thông điệp xã hội sâu sắc. Nếu trong chiến tranh, bom nổ chậm của quân thù cướp đi bao xương máu của đồng bào, chiến sĩ thì giữa thời bình lại tiềm ẩn vô vàn những thứ “bom nổ chậm” có thể nổ bất cứ lúc nào, làm tan vỡ tình yêu, hạnh phúc gia đình; hủy hoại cuộc sống, sự nghiệp của cá nhân và ảnh hưởng đến sự bình yên của xã hội.

Nguyên nhân gây ra "bom nổ chậm" không ai khác mà chính là con người với tất cả sự vô tâm, vô tình, tham lam ích kỷ, sự tha hóa biến chất và những dục vọng bất chính đã vô tình, hữu ý tạo ra.

Tác giả Chu Thơm cho hay câu chuyện của "Bom nổ chậm" là món quà của ông dành cho các chiến sĩ cảnh sát hình sự mưu trí, dũng cảm, không quản ngại khó khăn, vất vả, thậm chí hy sinh hạnh phúc riêng tư để giữ bình yên cho xã hội. Ông cảm phục họ, những người thầm lặng giữa đời thường, mưu trí tháo kíp những quả "bom nổ chậm" trong thời bình.

Trước "Bom nổ chậm" ông đã có tác phẩm mang tên "Ngọt ngào trong cay đắng" khắc họa thành công hình tượng người nữ chiến sĩ công an quả cảm.

Trong vở "Ngọt ngào trong cay đắng", sắc phục công an tràn ngập suốt vở diễn nhưng trong "Bom nổ chậm" sẽ chỉ có những người cảnh sát hình sự không quân phục, họ hòa mình vào đời sống người dân để giữ bình yên.

Trong "Bom nổ chậm" không đi sâu vào những cảnh đấu võ, bắn súng, đánh án... mà đi sâu vào khai thác những câu chuyện cảm động về cuộc sống gia đình - hậu phương của người chiến sĩ để từ đó làm nổi bật sự hy sinh thầm lặng của họ. Hậu phương vững chắc đã góp phần tạo nên chiến công của người chiến sĩ cảnh sát hình sự, đó mới chính là điều mà tác giả Chu Thơm muốn hướng đến...

Nhà hát kịch Việt Nam cũng vừa cho ra mắt vở diễn "Những chấn động còn lại" của tác giả Xuân Đức, nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn.

Cuối năm 2014, các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam đã tổ chức tour diễn ở miền Trung, miền Nam với 2 vở diễn xuất sắc "Lâu đài cát" và vở "Bệnh sĩ".

Đây là chuyến lưu diễn được khán giả miền Trung, miền Nam trông đợi vì đã lâu lắm rồi các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam mới trở lại với sân khấu miền Trung, miền Nam. Với những nỗ lực đổi mới không mệt mỏi, các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam đang dần dần lấy lại phong độ của vị trí "anh cả đỏ" trong làng kịch nước nhà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục