Năm đêm diễn tưởng nhớ nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ

Năm tác phẩm sân khấu tiêu biểu của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ sẽ được các đơn vị nghệ thuật tái hiện trên sân khấu trong chương trình nghệ thuật “Nhớ anh.”
Năm đêm diễn tưởng nhớ nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ ảnh 1Một cảnh trong vở "Lời thề thứ chín" (Ảnh: Nhà hát Tuổi Trẻ)

Năm tác phẩm sân khấu tiêu biểu của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ sẽ được các đơn vị nghệ thuật tái hiện trên sân khấu trong chương trình nghệ thuật “Nhớ anh” nhân kỷ niệm 26 năm ngày mất của ông (29/8/1988-29/8/2014).

Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 28/8-1/9 tới tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô (91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội).

Theo đó, khán giả sẽ dịp xem lại “Lời thề thứ chín,” “Mùa hạ cuối cùng” (Nhà hát Tuổi Trẻ), “Bệnh sỹ,” “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Nhà hát Kịch Việt Nam) và “Nàng Sita” (Nhà hát Chèo Hà Nội).

Đêm diễn “Lời thề thứ chín” có sự tham gia của nhiều gương mặt nghệ sỹ nổi tiếng như nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh, nghệ sỹ ưu tú Đức Khuê, nghệ sỹ ưu tú Ngọc Huyền…

Đạo diễn-nghệ sỹ ưu tú Chí Trung chia sẻ, mặc dù “Lời thề thứ chín” đã ra đời từ cách đây hơn hai thập kỷ nhưng tác phẩm vẫn luôn có sức hấp dẫn lớn với khán giả bởi những thông điệp nhân văn. Những vấn đề mà cố tác giả Lưu Quang Vũ đề cập trong đó vẫn vẹn nguyên tính thời sự cho đến ngày hôm nay.

“Lời thề thứ chín” từng tạo nên một “cơn sốt” ở khắp cả nước trong những năm cuối thập 80 của thế kỷ 20. Đó là một vở diễn đặc sắc về đề tài đấu tranh xã hội, lên án thói quan liêu, hiện tượng xuống cấp đạo đức của một bộ phận cán bộ có chức quyền, tạo ra những bất công trong xã hội.

“Bệnh sỹ” lấy bối cảnh ở một vùng nông thôn với ông chủ tịch xã Toàn Nha và những nhân vật của xã Hùng Tâm. Họ vốn đều là những người dân hiền lành, thật thà… nhưng vì thói háo danh, sỹ diện nên ai cũng cố tạo cho mình một cái mác sang trọng. Để rồi, bao chuyện dở khóc dở cười đã nảy sinh và tất cả phải tự nhận ra “căn bệnh chung” của mình.

“Mặc dù kịch bản được viết từ cách đây 30 năm nhưng tính thời sự của nó vẫn vẹn nguyên. Căn bệnh sỹ ở thời bao cấp và thời nay có những biểu hiện khác nhau nhưng tư tưởng xuyên suốt mà tác giả gửi gắm trong đó thì không bao giờ là cũ: ‘Tưng bừng dối trá, tưng bừng phô trương, tưng bừng thành tích,’ để rồi cuối cùng, ý nghĩa thực sự mà nhân vật nhận ra vẫn là: ‘Thà làm gỗ tốt còn hơn bạc giả’,” đại diện Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ.

Năm đêm diễn tưởng nhớ nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ ảnh 2"Bệnh sỹ" do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng (Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam)

Dịp này, khán giả Thủ đô cũng có dịp tái ngộ “Nàng Sita” - vở diễn đề cao tình yêu, sự thủy chung, đức hy sinh và khát vọng làm người, từng tạo nên “cơn sốt” cho sân khấu chèo Hà Nội thập niên 80 của thế kỷ trước.

Trong lần công diễn này, nghệ sỹ ưu tú Thu Huyền - “đào lẳng Thị Màu” của sân khấu chèo sẽ đảm nhận vai nữ chính Sita. Trước đây, vai diễn này vốn “đóng đinh” với tên tuổi của nghệ sỹ ưu tú Lâm Bằng.

Khi được hỏi về sức ép từ “cái bóng” quá lớn của đàn chị, nghệ sỹ ưu tú Thu Huyền chia sẻ: “Sức ép lớn nhất là ở chính bản thân mình. Tôi nghĩ, mình đã nổi tiếng với vai Thị Màu thì khi vào vai nàng Sita, phải diễn làm sao để khán giả không nghĩ đó là Thị Màu-Thu Huyền. Đó mới là cái quan trọng nhất.”

Chương trình nghệ thuật “Nhớ anh” được tổ chức nhằm tưởng nhớ và tôn vinh tài năng của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

Chương trình do Công ty cổ phần Giới thiệu Văn hóa Nghệ thuật Đông Đô phối hợp với Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Chèo Hà Nội tổ chức./.

Năm vở kịch sẽ được diễn vào lúc 20 giờ các ngày từ 28/8-1/9, cụ thể:

Ngày 28/8 : “Bệnh sỹ” (Nhà hát Kịch Việt Nam)
Ngày 29/9: Đêm thơ Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh và “Lời thề thứ chín” (Nhà hát Tuổi Trẻ)
Ngày 30/8: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Nhà hát Kịch Việt Nam)
Ngày 31/8: “Nàng Sita” (Nhà hát Chèo Hà Nội)
Ngày 1/9: “Mùa hạ cuối cùng” (Nhà hát Tuổi Trẻ)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục