Bốn quốc gia kêu gọi gia hạn Nghị định thư Kyoto

Bốn nền kinh tế mới nổi là Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc kêu gọi gia hạn Nghị định thư Kyoto trước khi hết hiệu lực vào 2012.
Ngày 27/8, bốn nền kinh tế mới nổi là Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc kêu gọi gia hạn Nghị định thư Kyoto trước khi hết hiệu lực vào năm 2012.

Trong một tuyên bố đưa ra sau hai ngày họp trù bị tại Inhotim, Brazil, để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc tổ chức, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Nam Phi, các bộ trưởng phụ trách thương lượng về biến đổi khí hậu của bốn nước trên đã chỉ trích bất kể thỏa thuận nào trong tương lai đi ngược lại thành quả của Nghị định thư Kyoto và cho rằng việc giữ cho Nghị định này "sống sót" là một trong những ưu tiên hàng đầu của hội nghị.

Các bộ trưởng cũng tái khẳng định Nghị định thư Kyoto là một cột mốc của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bày tỏ hy vọng hội nghị thượng đỉnh tới sẽ thông qua việc thành lập Quỹ Khí hậu Xanh nhằm viện trợ hàng tỷ USD cho các nước nghèo đang phải chịu sự ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Nhật Bản, Canada và Nga đã từ chối tham gia tất cả các vòng đàm phán về cam kết cắt giảm khí thải cácbon (CO2) trong khi đó Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho rằng sẽ khó có thể đạt được bất kể một thỏa thuận nào về việc cắt giảm khí thải tại hội nghị tới.

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu sắp tới tại Durban, Nam Phi, được coi là cơ hội cuối cùng để các nước trên thế giới làm sống lại Nghị định thư trước khi nó hết hạn vào năm 2012.

Các nước nghèo mong muốn các nước phát triển đi đầu trong cuộc chiến giảm khí thải vì cho rằng các nước giàu tiêu thụ nhiều nhiên liệu hoá thạch và xả nhiều khí thải nhất.

Trong khi đó, các nước giàu cho rằng thực tế là các nền kinh tế mới nổi đã nhanh chóng vượt qua các nền kinh tế phát triển về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trung Quốc đã nổi lên vượt cả Mỹ và trở thành nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao nhất thế giới nhưng vẫn đòi hưởng các chỉ tiêu giảm khí thải như mức của nước đang phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục