Bài 1: "Ông Vua" bóng đá Nhi đồng đích thực trên bản đồ bóng đá Việt
1. Ngày 25/11/2015 đánh dấu một sự kiện lịch sử đặc biệt với bóng đá Hải Dương. Đó là ngày huấn luyện viên Toshiya Miura công bố bản danh sách sơ bộ tuyển U23 Việt Nam tham dự Vòng chung kết Giải U23 châu Á 2016. Danh sách ấy có sự hiện diện của bốn cầu thủ gốc Hải Dương.
Điểm đặc biệt: cả bốn người đều không tới từ đội bóng Hải Dương. Họ xuất phát từ cùng một lò đào tạo nhưng trưởng thành theo những cách khác nhau, chơi cho các câu lạc bộ khác nhau trước khi cùng hiện diện ở U23 Việt Nam. Họ là Nguyễn Văn Toàn, Vũ Văn Thanh (Hoàng Anh Gia Lai), Phạm Đức Huy (Hà Nội T&T) và Nguyễn Trọng Đại (Viettel).
Với bốn cái tên ấy, Hải Dương trở thành một trong những địa phương đóng góp nhiều cầu thủ nhất cho U23 Việt Nam. Sự có mặt họ là lời tuyên bố ngạo nghễ khẳng định năng lực đào tạo trẻ của Hải Dương. Câu chuyện về họ là câu chuyện về một hệ thống đào tạo trẻ kỳ lạ và chất lượng bậc nhất, một triết lý khác thường, một tư duy bóng đá chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.
2. Để nói về bóng đá trẻ Hải Dương, chúng ta cần phải hiểu về mô hình bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Một mô hình bóng đá chuyên nghiệp chuẩn ở cấp câu lạc bộ phải bao gồm bảy cấp độ: U11, U13, U15, U17, U19, U21 và đội một - đội chuyên nghiệp. Hệ thống ấy được xây dựng để phục vụ mục tiêu đào tạo liên tục những con người tốt nhất cho đội một. Đích ngắm cuối cùng của hệ thống ấy là cung cấp những cầu chuyên nghiệp thi đấu tại giải Hạng Nhất và V-League.
Thực tiễn bóng đá Việt Nam đã chứng minh: nếu không có đội chuyên nghiệp, bóng đá trẻ sẽ khó lòng tồn tại. Năm 2014, sau khi đội một Vissai Ninh Bình bỏ giải V-League vì vụ bán độ ở AFC Cup, phần lớn các lứa trẻ của Ninh Bình lập tức bị giải thể.
Trong một nền bóng đá từng được miêu tả là “xây nhà từ nóc”, thật khó để tìm được một lò đào tạo trẻ tử tế. Càng khó hơn nếu muốn tìm được một đội bóng chỉ đào tạo trẻ. Hải Dương chính là của hiếm khó tìm ấy.
Trung tâm đào tạo trẻ của Hải Dương là nơi duy nhất ở Việt Nam chỉ đào tạo hai lứa cầu thủ U11, U13 nhưng vẫn thu được thành công rực rỡ. Đây cũng là địa phương hiếm hoi sở hữu đủ tuyển thủ quốc gia để xếp được trọn vẹn một đội hình.
3. Hãy để các thống kê nói lên sức mạnh của lò đào tạo trẻ Hải Dương.
Tính từ năm 2007 tới nay, Hải Dương đã tám lần lọt vào chung kết, năm lần vô địch Giải Nhi đồng toàn quốc (U11). Đỉnh cao của Hải Dương là ba chức vô địch quốc gia liên tiếp vào các năm 2013, 2014 và 2015. Giải Nhi đồng đầu tiên mà Hải Dương vô địch là năm 2007. Chính tại giải đấu đó, lứa tuyển thủ quốc gia Văn Toàn, Văn Thanh đã được phát hiện.
Ở giải Thiếu niên (U13), Hải Dương không giữ được ưu thế tuyệt đối nhưng vẫn sở hữu thành tích rất đáng nể. Từ năm 2011 tới nay, Hải Dương luôn nằm trong tốp 8 đội mạnh nhất. Ba mùa gần nhất, Hải Dương đều vào tới bán kết. Năm 2014, Hải Dương chỉ chịu thua đương kim vô địch Sông Lam Nghệ An ở trận chung kết trên chấm 11m.
Nói về sức mạnh của Hải Dương ở giải Nhi đồng toàn quốc, Giám đốc Trung Tâm Đào Tạo - Huấn Luyện Thể Thao Vũ Đình Thịnh tự hào: “Khi chúng tôi vào dự các giải khu vực và quốc gia, đội nào cũng sợ, cũng ngại Hải Dương. Đi tới đâu người ta cũng nói Hải Dương có bóng đá trẻ hay thật. Điều đó khiến chúng tôi thấy tự hào. Quả thật, chúng tôi đã tạo được một thương hiệu bóng đá Nhi đồng Hải Dương.”
Tại sao bóng đá trẻ Hải Dương có được sức mạnh ấy? Điều gì đã làm nên sức mạnh áp đảo của Hải Dương ở các Giải U11 quốc gia? Hãy cùng tìm câu trả lời ở phần hai của chuyên đề này./.
Tại sao Hải Dương không có đội dự V-League?
Kinh phí để duy trì một đội chuyên nghiệp ở V-League phải rơi vào khoảng 40 tỷ đồng/mùa. Trong khi tổng ngân sách cho bóng đá của Hải Dương chỉ là 2 tỷ đồng mỗi năm. Hải Dương không phải không muốn dự V-League. Họ đơn giản là không thể tham dự V-League.
Với nguồn kinh phí hạn chế, Hải Dương chỉ có thể tập trung cho đào tạo trẻ, cụ thể là lứa U11 và U13. Ông Vũ Đình Thịnh chia sẻ: “Với tiềm lực kinh tế, xã hội của Hải Dương, mình chỉ làm được đến thế thôi. Mình phải biết lượng sức để mọi thứ không dở dang. Sau đó, mình không làm nữa.”
“Nhưng các tài năng mình đào tạo được vẫn thuộc về quốc gia. Những cầu thủ ấy không mất đi. Những Văn Toàn, Văn Sơn đá cho Hoàng Anh Gia Lai, khoác áo đội tuyển quốc gia thì vẫn là người Hải Dương. Chúng tôi vẫn tự hào vì họ đã trưởng thành từ lò đào tạo này, từ bóng đá trẻ Hải Dương.”
Bài 2: “Bọn bóng đá đứa nào học cũng thông minh”