Bóng mát của những "cây đa cổ thụ" vùng Tây Nguyên

Các già làng, trưởng bản ở Tây Nguyên - "những cây đa cổ thụ" - có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng buôn làng trù phú, bình yên.

Các già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên thường được suy tôn là những "cây đa cổ thụ" bởi họ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng buôn làng ngày càng trù phú, ấm no và bình yên.

Bóng mát của những "cây đa cổ thụ"

Vùng Tây Nguyên bao gồm năm tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với 5,2 triệu dân, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 35%, chủ yếu là người Bahnar, J'Rai, Ê đê, S'triêng, Dẻ...

Toàn vùng có đến hơn chục nghìn già làng, trưởng bản và người có uy tín đang hoạt động tích cực trong các phong trào, vận động dân làng cùng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong việc phát triển kinh tế để làm giàu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết; đồng thời kiên quyết chống những hành vi xúi giục dân làng gây rối và làm những điều trái pháp luật, ảnh hưởng đến sự yên bình của cộng đồng.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, những "cây đa cổ thụ" đã tập trung thực hiện tốt việc vận động bà con định canh, định cư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng-vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ vào trong sản xuất.

Ở tỉnh Gia Lai có già làng Hồ Khăm (92 tuổi) ở làng Pơ Nang thuộc xã Tú An (thị xã An Khê) hướng dẫn và giúp đỡ bà con mở rộng diện tích lúa nước, bỏ tập quán phát nương làm rẫy và đến nay cả làng đã thóat khỏi cảnh nghèo khó.

Ở tỉnh Lâm Đồng có già làng K'Lếu ở thôn 1 thuộc xã Tân Châu (huyện Di Linh), vận động nhân dân thực hiện nhiều chương trình phát triển kinh tế, từ chỗ nghèo khó và đến nay đạt mức thu nhập bình quân hơn 13 triệu đồng/người/năm - trở thành xã Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới...

Trên lĩnh vực giữ gìn an ninh trật, các già làng, trưởng bản và những người có uy tín đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Tại một số làng ở huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk), các già làng đã vận dụng tục "cầm vòng" để đưa những thanh niên đã mắc lỗi lầm ra trước cộng đồng để kiểm điểm. Bằng hình thức xử theo luật tục truyền thống, các đối tượng đã thấy được những việc làm sai trái của mình và đã tự nguyện xin lỗi gia đình, dân làng không bao giờ tái phạm lần nữa...

Các già làng, trưởng bản và những người có uy tín cũng đã phát huy tốt vai trò trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Ở tỉnh Gia Lai có nhiều già làng tổ chức truyền dạy đánh cồng chiêng trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Toàn tỉnh còn lưu giữ được gần 6.000 bộ cồng chiêng - nhiều nhất trong vùng.

Các già làng ở tỉnh Đắk Nông có nhiều đóng góp bằng của cải vật chất và tinh thần để khôi phục lại các lễ hội truyền thống như lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới...

Tây Nguyên trên đường đổi mới

Cùng với việc phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản và những người có uy tín, Đảng và Nhà nước đã luôn có sự quan tâm chăm lo cộng đồng người dân tộc thiểu số trong toàn quốc nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng, tạo mọi điều kiện cho các buôn làng ổn định và nâng cao đời sống.

Ngày nay, mọi vùng của Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi rõ rệt trong cuộc sống và sinh hoạt, không còn tình trạng đói rét, bệnh tật... như trước đây. Cơ sở hạ tầng điện--đường-trường-trạm đã được Chính phủ đầu tư xây dựng phủ kín đến tận các buôn làng dân tộc.

Toàn vùng đã có 100% số xã có đường ôtô đến tận trung tâm, 96% số xã có trạm y tế (trong đó 52% số xã có bác sỹ), 98% số trẻ em trong độ tuổi được huy động đến lớp, 70% số hộ được sử dụng nước sạch, 87% số hộ được xem đài truyền hình Việt Nam...

Nhiều buôn làng đã vươn lên thoát nghèo bền vững và đang tiến tới làm giàu, như ở huyện Đức Cơ (Gia Lai) có hơn 4.000 đồng bào dân tộc được tiếp nhận vào làm công nhân cao su, tiêu, cà phê với mức thu nhập bình quân 2,8 triệu đồng/tháng/người, thậm chí có người đạt đến 4,5-5 triệu đồng/tháng.

Nhiều nơi ở vùng Tây Nguyên vẫn còn giữ được nghề truyền thống. Nghề thủ công cổ truyền nổi tiếng như dệt thổ cẩm, đẽo tượng gỗ, đan lát bằng mây tre; những lễ hội như đâm trâu, cúng cơm mới, cúng bến nước, hội voi... và các di sản văn hóa phi vật thể như nhà rông, nhà dài, cồng chiêng, nhà mồ vẫn còn được lưu giữ và phát triển qua nhiều thế hệ.

Nhiều kiệt tác văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên đã để lại làm tô điểm thêm sự đậm đà phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó là "Trường ca Đam San Đam Di" của người Ê Đê, "Anh em Ch Blơng," "Dăm Hdang bắt cóc nàng Bia Luy" của người Bahnar, "Mùa rẫy bon Tiăng," "Cây nêu thần" của người Mơ Nông, "Xinh Nhã," "Nàng Hbia Drang" của người J'rai.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, năm 2006 được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu, di sản phi vật thể của nhân loại; đã biểu hiện ý chí đấu tranh quật cường chống giặc ngoại xâm, khẳng định khát vọng được sống trong hoà bình, ấm no, hạnh phúc của đồng bào dân tộc thiểu sốTây Nguyên.

Tây Nguyên ngày nay đang "sở hữu" một hệ thống giao thông tốt; từ các tỉnh trong vùng đi về miền Đông Nam bộ, xuống tận duyên hải miền Trung, sang nước bạn Lào, Campuchia.

Ba cảng hàng không Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Pleiku (Gia Lai) được đầu tư nâng cấp. Các cửa khẩu quốc tế đã được hình thành và đang đi vào hoạt động ổn định, như Cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai), Cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum)...

Tây Nguyên đang trên đường đổi mới, hòa chung vào sự phát triển chung của đất nước. Các "cây đa cổ thụ" tiếp tục sẽ là những người con ưu tú, góp phần cùng cộng đồng các dân tộc nơi đây chung tay cùng xây dựng, bảo vệ những buôn làng Tây Nguyên hùng vĩ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục