Booking.com đối mặt khoản phạt 530 triệu USD tại Tây Ban Nha

Thông tin trên được đưa ra sau khi CNMC - cơ quan giám sát chống độc quyền của Tây Ban Nha, tiến hành cuộc điều tra từ năm 2022 để xác định Booking.com có các hoạt động phản cạnh tranh hay không.

Trụ sở Booking.com. (Nguồn: Wikimedia)
Trụ sở Booking.com. (Nguồn: Wikimedia)

Ngày 22/2, Ủy ban Cạnh tranh và Thị trường Quốc gia (CNMC) của Tây Ban Nha đã đưa ra mức phạt 530 triệu USD đối với Booking.com vì cho rằng nền tảng đặt phòng trực tuyến này đã vi phạm luật cạnh tranh. Đây là khoản phạt lớn nhất từ trước đến nay của CNMC.

Thông tin trên được đưa ra sau khi CNMC - cơ quan giám sát chống độc quyền của Tây Ban Nha, tiến hành cuộc điều tra từ năm 2022 để xác định Booking.com có các hoạt động phản cạnh tranh hay không.

Booking.com phản đối các kết luận điều tra sơ bộ, cũng như quyết định về khoản phạt của CNMC, đồng thời cho biết sẽ kháng cáo nếu đây là quyết định cuối cùng của CNMC.

Tuy vậy, Booking.com nêu những quan ngại về khả năng bị phạt cấp quốc gia theo Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) của Liên minh châu Âu (EU).

Booking.com đánh giá DMA rất phù hợp để thảo luận và đánh giá các mối quan ngại chính mà CNMC nêu ra, tạo cơ hội thống nhất về các giải pháp áp dụng trên khắp châu Âu thay vì theo từng quốc gia.

DMA sẽ có hiệu lực vào tháng tới, áp dụng cho các công ty ở các nước EU và những bên vi phạm sẽ phải đối mặt với những hình phạt khắc nghiệt.

Mục đích của DMA là đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng thông qua các quy định về điều nên làm và không nên làm đối với các công ty trực tuyến.

Các công ty có thời hạn đến ngày 7/3 tới để hoàn tất các điều kiện đáp ứng việc tuân thủ.

Hiện các nền tảng thuộc diện điều chỉnh của DMA đang cung cấp dịch vụ cho hơn 45 triệu người dùng hoạt động hằng tháng ở EU và cho hơn 10.000 doanh nghiệp hoạt động tại khối này mỗi năm.

Các công ty kỹ thuật số có doanh thu hằng năm ở EU từ 7,5 tỷ euro (8,1 tỷ USD) trở lên hoặc giá trị thị trường trên 75 tỷ euro thuộc diện điều chỉnh của DMA. Trong đó, 6 công ty hàng đầu trong danh sách phải tuân thủ DMA gồm Alphabet - công ty mẹ của Google, Amazon, Apple, Meta, Microsoft, và ByteDance - chủ sở hữu TikTok./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục