Brazil phóng vệ tinh địa tĩnh đầu tiên phục vụ công tác quốc phòng

Vệ tinh địa tĩnh phục vụ công tác quốc phòng và liên lạc đầu tiên của Brazil, mang tên SGDC-1, được phóng đi từ căn cứ vũ trụ Kourou tại Guyana.
Brazil phóng vệ tinh địa tĩnh đầu tiên phục vụ công tác quốc phòng ảnh 1Vệ tinh SGDC-1. (Nguồn: space.skyrocket.de)

Ngày 21/3 (giờ địa phương), Brazil sẽ phóng vệ tinh địa tĩnh phục vụ công tác quốc phòng và liên lạc đầu tiên của mình mang tên SGDC-1.

Theo kế hoạch, SGDC-1 sẽ được phóng đi từ căn cứ vũ trụ Kourou tại Guyana.

Vệ tinh này sẽ giúp Brazil bao phủ dịch vụ Internet băng thông rộng trên khắp lãnh thổ đất nước rộng lớn nhất Mỹ Latinh này.

SGDC-1 được kỳ vọng sẽ đảm bảo quyền tự chủ, độc lập và an toàn cao hơn trong các mối liên lạc chiến lược của Brazil, đặc biệt là liên quan tới công tác quốc phòng.

Thông cáo của Brazil nêu rõ chính phủ hoàn toàn kiểm soát quyền điều khiển vệ tinh này.

Brasilia đã giao nhiệm vụ phát triển vệ tinh cho tập đoàn Visiona, được hợp thành từ nhà sản xuất máy bay lớn nhất Mỹ Latinh Embraer (nắm 51% cổ phần) và công ty viễn thông nhà nước Telebras (49% cổ phần).

Trước đó, liên doanh Pháp-Italy Thales Alenia Space đã thắng thầu dự án lắp đặt vệ tinh địa tĩnh SGDC-1, với trọng tâm là chuyển giao công nghệ và đào tạo 50 kỹ sư và kỹ thuật viên người Brazil trong quá trình xây lắp. Dự án này bao gồm 3 vệ tinh, trong đó theo như điều khoản hợp đồng được công bố trong thông cáo, vệ tinh cuối cùng sẽ do Brazil hoàn toàn tự sản xuất.

Giám đốc phụ trách kỹ thuật và vận hành của Telebras, Jarbas Valente, cho biết sau khi đi vào quỹ đạo, SGDC-1 sẽ phục vụ cho các dự án nông nghiệp chính xác, xây dựng các thành phố thông minh, giáo dục công, quản lý bệnh viện, công nghiệp hóa khu vực nội địa (xa bờ biển và kém phát triển) của Brazil, cũng như giám sát và dự báo các thảm họa thiên nhiên.

Ông nhấn mạnh ý nghĩa lớn của việc sở hữu vệ tinh với tốc độ truyền tải thông tin 60 gigabits/giây, bao phủ toàn bộ lãnh thổ và sẽ hoạt động trong 2 dải băng thông tần rộng là X và Ka với tỷ lệ 30% và 70%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục