Theo các kế hoạch đang được Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May thảo luận, nước Anh có thể sẽ tiếp tục đóng góp nhiều tỷ bảng Anh vào ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) để trung tâm tài chính London duy trì việc tiếp cận thị trường chung châu Âu sau khi nước Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit, dự kiến vào đầu năm 2019.
Việc Thủ tướng Anh giữ lập trường cứng rắn trong vấn đề kiểm soát biên giới và nhập cư khiến các quan chức và giới quan sát tại cả Anh và EU đều cho rằng các ngân hàng và công ty bảo hiểm có trụ sở tại Anh sẽ khó tránh khỏi việc mất đi tấm “hộ chiếu” để có thể tiếp cận thị trường chung châu Âu và tiến hành các hoạt động kinh doanh tại châu Âu.
Tuy nhiên, bà May không loại bỏ khả năng tiếp tục đóng góp vào ngân sách EU trong tương lai để đảm bảo việc tiếp cận Thị trường chung.
Cuối tuần qua, Thủ tướng May đã gửi thông điệp tới hãng chế tạo ô tô Nissan của Nhật Bản rằng các điều kiện thương mại dành cho nhà máy chế tạo của hãng này ở Sunderland sẽ không thay đổi sau khi Brexit. Lần đầu tiên bà May cho biết Chính phủ Anh có thể lựa chọn những lĩnh vực cần được ưu tiên để giảm thiểu những tác động của việc rời EU.
Chính phủ Anh đang cân nhắc việc Anh có thể tiếp tục chi nhiều tỷ bảng cho ngân sách của EU. Cho dù Chính phủ Anh có phải "mua" sự tiếp cận thị trường chung châu Âu thông qua việc đóng góp vào ngân sách của EU thì điều này cũng xứng đáng, nếu xét tới số việc làm mà nó mang lại cho nền kinh tế.
Các giám đốc ngân hàng cũng đang thúc giục Chính phủ Anh tìm cách duy trì quyền sử dụng "hộ chiếu" có được tại Anh để tiếp tục tiếp cận thị trường chung châu Âu ở mức nhiều nhất có thể.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho hay mức đóng góp ròng trung bình hàng năm của Anh vào ngân sách EU trong thời gian từ năm 2010-2014 đứng ở mức 7,1 tỷ bảng Anh. Báo chí Anh cho hay nước cũng sẽ phải đối mặt với chi phí cho “vụ ly hôn” với EU lên tới 20 tỷ euro./.