BRICS không ủng hộ việc phương Tây trừng phạt Nga

Các nước Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Trung Quốc tiếp tục phản đối việc Mỹ và phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép trừng phạt đối với Nga.
BRICS không ủng hộ việc phương Tây trừng phạt Nga ảnh 1Các nước trong nhóm BRICS ủng hộ Nga.

Các nước Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Trung Quốc - những nước cùng Nga là thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đã tiếp tục phản đối việc Mỹ và phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép trừng phạt đối với Nga sau khi nước này tiếp nhận Crimea.

Các nước này cũng đồng thời chỉ trích đề xuất không cho phép Moskva tham dự hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), dự kiến diễn ra tại thành phố Brisbane (Australia) vào tháng 11 tới.

Đây cũng là những nước đã cùng 54 nước khác bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nghị quyết "Toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine" của Đại Hội đồng Liên hợp quốc rạng sáng 28/3 (theo giờ Việt Nam).

Phóng viên TTXVN tại Canada ngày 27/3 dẫn tờ Thư tín địa cầu cho biết tại cuộc họp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở La Hyae (Hà Lan) vừa kết thúc, các ngoại trưởng BRICS tuyên bố không ủng hộ việc phương Tây gia tăng sức ép với Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea.

Tuyên bố viết: "Sự leo thang ngôn ngữ thù địch, các lệnh trừng phạt và trả đũa, cùng vũ lực sẽ không thể giúp mang lại một giải pháp bền vững và hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có những nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc. Các nước BRICS nhất trí rằng những thách thức hiện nay trong nội bộ các khu vực của các quốc gia BRICS phải được từng bước giải quyết trong khuôn khổ Liên hợp quốc."

Trước đó, nhiều nước đã không tham gia mặt trận chống Nga đang được thành lập một cách vội vàng dưới lá cờ của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ tiếp tục đối thoại với Nga. Trong khi đó, Trung Quốc cũng không bày tỏ ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Moskva.

Với tư cách ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Bắc Kinh hiểu rõ rằng chỉ có các biện pháp trừng phạt quốc tế do cơ quan này thông qua mới được coi là hợp pháp. Phía Trung Quốc nhận thức rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ phức tạp hơn nhiều so với cách diễn đạt của các đối tác phương Tây và Bắc Kinh không có ý định hành động thiếu cân nhắc như Mỹ và các đối tác ở phương Tây đã làm.

Về phần mình, Ấn Độ tuyên bố không thể chấp nhận chính sách mới nhằm răn đe Moskva theo kiểu Chiến tranh Lạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục