BSB liệu có... bổ?

BSB đến Việt Nam: Thơm, ngon, rẻ và... không bổ

Liệu hai buổi biểu diễn của Backstreet Boys ở TP.HCM và Hà Nội có được coi là cú hích cho thị trường âm nhạc Việt hay không?

Nhiều người coi hai buổi biểu diễn của nhóm hát đình đám một thời Backstreet Boys (BSB) tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là sự kiện âm nhạc lớn nhất Việt Nam trong năm 2011. Nhưng liệu hai buổi biểu diễn đó có được coi là cú hích cho thị trường âm nhạc Việt Nam hay không? Vietnam+ xin giới thiệu bài viết của một nhà sản xuất khá am tường về thị trường âm nhạc trong nước, đồng thời đã nhiều lần ra nước ngoài thưởng thức các show diễn của các nghệ sỹ đương đại nổi tiếng. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.


Rất thơm ngon

Có một công thức khá phổ biến cho các thị trường âm nhạc là những ngôi sao khi đã qua thời đỉnh cao và mất hoàn toàn khả năng oanh tạc các sân khấu lớn, thì lập tức chuyển hướng sang các địa phương vùng sâu, vùng xa, nơi mà khán giả hâm mộ hiếm khi được xem họ trình diễn khi còn “vượng.”

Người trẻ ồn ào, háo hức chờ đón Backstreet Boys với chuyến lưu diễn đầu tiên ở Việt Nam mang tên “This is us.” Niềm háo hức ấy chính là biểu hiện của cái gọi là sự “quốc tế hóa” công thức kể trên.

Không thể phủ nhận tầm phủ sóng của BSB và những thành tựu họ đạt được, đặc biệt là thông qua số đĩa đã phát hành trong suốt gần hai thập niên tồn tại của mình. Nhưng cũng chẳng thể nào chối từ rằng cai boysband ấy đã không còn danh tiếng lẫy lừng ở thị trường Mỹ hay châu Âu như những ngày hoàng kim 1998-2001 nữa. Đó là một thương hiệu đã cũ, một công thức cũng không còn thời thượng ở thị trường Bắc Mỹ, và việc họ kiếm tìm dư âm của những ngày xa xưa ở Đông Nam Á có lẽ cũng chẳng lấy gì làm lạ.

Nếu nhìn lại danh sách những thành tựu của BSB kể từ sau năm 2001 đầy thành công đến nay, người ta sẽ thấy rất rõ rằng tên tuổi của họ chỉ còn nóng ở châu Á mà thôi, và hầu hết những gì họ giành được cũng nằm ở đó: từ MTV Asia cho tới Japan Golden disc.

Thị trường âm nhạc hiện đại đã không còn mặn mà với những nhóm hát pop vốn dĩ nở rộ từ thập niên 80, và sự cấu thành một Il Divo với gout âm nhạc tinh tế hơn hẳn so với những Backstreet Boys, A-One, N Sync, Take That… chính là một nỗ lực cuối cùng thử cứu vãn lại hình ảnh nhóm hát điển trai của những nhà sản xuất.

Thị trường hôm nay đã mở ra cho những “entertainer solo” như Justin Timberlake, Robbie William, Rihanna, Lady Gaga, Beyonce… và song song với đó là sự trở lại với khuôn mẫu kinh điển, với những nghệ sĩ thực sự, những người là singer/song writer (vừa sáng tác vừa trình diễn) như Jason Mraz, Taylor Swift, Colbie Caillat…

Trong tình thế ấy, tất nhiên những kiểu lạc hậu như BSB sẽ phải kiếm tìm thị trường khác, nơi mà họ vẫn còn lung linh lắm. Và trong số vùng sâu vùng xa đó, Việt Nam là một lựa chọn.

Đối với Việt Nam, một đất nước hiếm khi có trong bản đồ lưu diễn của những nghệ sỹ quốc tế, sự xuất hiện của BSB trong hoàn cảnh này dĩ nhiên là một cú “big bang” thực sự với showbiz Việt. Thế mới nói sự kiện “This is us” của BSB có cái “thơm” là vậy. Nó như một món ăn đang được chế biến nhưng mùi xào nấu từ bếp thoang thoảng đã khiến người đợi thưởng thức nôn nóng đến ứa nước miếng.

Sự “thơm” ấy là bước tiến so với những ông già Air Supply hồi năm ngoái, nhưng lại là bước lùi so với những Bryan Adam, Sting, những nghệ sĩ cách đây hơn chục năm đã từng đặt chân đến mảnh đất chữ S. Song bước tiến hay bước lùi thì cũng không quan trọng bằng việc chắc chắn BSB sẽ đông khách hơn… Bi Rain, vì lẽ các ca khúc Anh ngữ vẫn gần hơn thứ tiếng Hàn khó hiểu. Vả lại, hits của BSB là hits quốc tế, đẳng cấp danh tiếng cũng như bề dày của họ hơn hẳn anh chàng Hàn Quốc kia.

Thêm nữa, thứ nhạc teen-pop (đối với người Âu, Mỹ) của BSB lại dễ gần với lớp trẻ vốn vẫn còn chút ít mơ mộng. Thế nên, khi BSB chưa đặt chân tới Việt Nam các nhóm fans bản địa đã có những hoạt động chào mừng độc lập kiểu “flash mob” hay sinh hoạt âm nhạc theo từng nhóm với chủ đề là các ca khúc của BSB.

Rất rẻ

Cách đây chục năm, khoảng năm 2001, một công ty tổ chức biểu diễn lớn ở TP.HCM đã liên lạc mời A-One hoặc BSB về Việt Nam diễn trong show của họ, nhưng thất bại. Lý do vô cùng đơn giản là giá cát-sê quá cao. A-One khi ấy muốn 400.000 USD chưa kể các điều kiện ăn ở, an ninh… Còn BSB, nếu người viết nhớ không lầm, cái giá lúc đó cũng tròm trèm 1 triệu đô.

Tất nhiên, với đầu tư như thế, chẳng ai dám làm vì thu lại vốn ở thời điểm đó tại thị trường Việt Nam gần như là bất khả. Còn bây giờ, dù không được tiết lộ nhưng chắc chắn giá cát-sê của BSB sẽ không được như thế. Theo phán đoán của người viết, có lẽ số tiền ấy chỉ dao động từ 200.000 đến 300.000 là cùng.

Con số đó không quá lớn với showbiz Việt hiện nay và việc thu hồi từ vé hoàn toàn có thể. Giá vé bán từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng cũng không phải là quá đắt nếu so với live show nhàng nhàng của những Tuấn Vũ, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm hay kể cả Tuấn Ngọc.

So với khu vực, đặc biệt là Thái Lan, Singapore, nơi những nghệ sỹ quốc tế vẫn lưu diễn, giá vé như vậy là hợp lý. Giá vé hạng nhất của các concert quốc tế ở Thái hay Sing cũng thường chỉ 200 USD, cùng lắm là 300 USD. Như vậy, đối với cả nhà tổ chức lẫn với khán giả, trong một tương quan so sánh ở khu vực lẫn trong biên giới Việt Nam, “This is us” của BSB rõ ràng là một món ăn tinh thần khá rẻ.

Trong lúc showbiz Việt chững lại với những ngôi sao làm live show để phá kỷ lục là chính, những chương trình ca nhạc lớn đã “bán mình” thành event (như Duyên Dáng Việt Nam là một ví dụ), việc BSB đến với Hà Nội và TP.HCM tất nhiên cũng là món ngon.

Như đã nói ở trên, những ca khúc dễ nghe của BSB đã ăn sâu trong lòng một thế hệ 7X và vẫn còn sống mạnh mẽ trong lòng thế hệ 8X. Thưởng thức họ qua băng, đĩa và thậm chí xem show của họ ở nước ngoài (đối với một số khán giả rất nhỏ có điều kiện) không còn thoả mãn được giới trẻ nữa, mà phải chứng kiến họ thực thể trên sân khấu Việt mới đủ đáp ứng mong mỏi. Như một cơn khát, trận đói đã ở lại quá lâu, món ăn đến đúng lúc nên ngon là vì thế. Nhưng cái ngon lúc đói không chắc đã là món ngon thực sự bởi cảm giác lúc đói khác hẳn với lúc no đủ. Thế nên, cái ngon ấy phải được kiểm chứng lại thật kỹ…

Nhưng không bổ

Và câu hỏi cuối cùng, tức BSB có “bổ” không, cũng có đáp án ngay là “không”. Xét về thẩm mỹ âm nhạc, BSB không đóng góp được gì cho nhạc nhẹ thế giới và vì thế show của họ ở Việt Nam chắc chắn sẽ không mang lại gì cho nghệ sỹ bản địa học hỏi. Điều đó sẽ được kiểm chứng bằng số nghệ sỹ Việt có mặt tại đêm diễn 24 và 26 này.

Nghệ sỹ Việt từng đi nước ngoài xem ông vua Fusion Jazz là Pat Metheny biểu diễn (như Quốc Trung chẳng hạn), xem Taylor Swift (Đức Trí), xem Lady Gaga (Nguyên Thảo), xem Beyonce (Hồ Ngọc Hà, Lệ Quyên, Đoan Trang), xem Linking Park (nhóm Microwave)… và họ học được từ đó rất nhiều, bởi đó đều là những nghệ sỹ gần như tiên phong cho dòng nhạc mà họ theo đuổi hoặc là nghệ sỹ hàng đầu với những sáng tạo đáng kính nể. Còn BSB, họ có gì ngoài ngoại hình và chút âm nhạc “sên sến - bắt mắt - bắt tai” tuổi teen?

Và vì lẽ “thơm – ngon - rẻ” nhưng không “bổ” ấy, người viết chờ đợi những nghệ sỹ đích thực còn đương thời hoặc là những tượng đài huyền thoại của âm nhạc thế giới sẽ tới Việt Nam thời gian tới như Bob Dylan (tháng 4/2011), Maroon 5, Linkin Park (nghe đâu hè năm nay sẽ diễn ở TP.HCM) hay như Herbie Hancock hồi 2008 ở Sài Gòn…

Trong lúc đó, ngoảnh lại nhìn lịch diễn của những John Mayer, Micheal Bublé, Eric Clapton,  Carlos Santana, Red Hot Chilli Peppers, Coldplay… ở Singapore, ở Thái Lan mà lại thấy thèm. Phải chăng gu thẩm mỹ âm nhạc của khán giả Việt thấp, hay là gu thẩm mỹ âm nhạc của chính những nhà tổ chức trên thị trường showbiz mới thấp? Có lẽ câu trả lời đã rõ bởi ở Việt Nam, ai cũng thích bốn chữ THƠM - NGON - BỔ - RẺ mà quên mất rằng đã thơm, ngon, bổ thì chắc chắn phải đắt rồi./.

 * Backstreet Boys thành lập năm 1993 tại Orlando, Mỹ, gồm năm thành viên là A.J Mc Lean, Howie Dorouch, Brian Littrell, Nick Carter và Kevin Richardson. Nhóm bắt đầu nổi tiếng toàn thế giới sau khi tung ra album đầu tay "Backtreets Boys" năm 1996, tiếp đó là các album "Backtreet's Back" (1997), "Millennium" (1999), "Black & Blue" (2000). Sau ba năm tạm nghỉ, nhóm tái hợp và phát hành thêm ba album "Never Gone" (2005), "Unbreakable" (2007) và "This is us" (2009). Sau khi tái hợp thì nhóm chỉ còn lại bốn thành viên (không còn Kevin Richardson), cũng là những người có mặt tại Việt Nam dịp này.

* Backstreet Boys sẽ biểu diễn đêm 24/3 tại Sân vận động Quân khu 7, TP.HCM và 24/3 tại SVĐ quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội ngày 26/3 trong chuyến lưu diễn vòng quang thế giới mang tên "This is us".
Nguyên Thuận (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục