Bức tranh kinh tế toàn cầu đang sáng dần lên nhờ thông tin kinh tế tích cực từ kinh tế Trung Quốc và Khu vực đồng euro (Eurozone), song vẫn có những gam trầm do tốc độ mở rộng hoạt động chế tạo tại Mỹ chậm lại.
Theo công bố mới nhất của HSBC và Markit, Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc đã tăng từ 50,7 lên 52 trong tháng 7/2014 và ghi dấu mức cao nhất kể từ tháng 1/2013. Một cuộc khảo sát trong khu vực tư nhân Eurozone cũng cho thấy PMI tăng từ 52,8 lên 54, cao hơn dự kiến trước đó.
Nhà kinh tế Mark Wall, thuộc Deutsche Bank, nhận định số liệu lạc quan hơn về kinh tế Trung Quốc và Eurozone sẽ tạo sức đẩy cho kinh tế toàn cầu vào đầu quý 3 năm 2014.
Trong khi đó, PMI của Mỹ lại giảm từ 57,3 trong tháng 6/2014 xuống 56,3 trong tháng 7/2014 và thấp hơn dự kiến 57,5 của các nhà phân tích trước đó. Dù vậy, hầu hết các thị trường chứng khoán lớn đều tăng điểm hoặc gần mức cao kỷ lục. Điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn tin tưởng rằng triển vọng đối với kinh tế toàn cầu sẽ sáng hơn.
Tuy nhiên, theo cuộc khảo sát gần đây của hãng Reuters, Trung Quốc sẽ phải chật vật để duy trì đà tăng trưởng cho nền kinh tế trong năm tới, do những nguy cơ từ sự suy giảm của thị trường bất động sản và hệ thống tài chính.
Các nhà phân tích dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ tăng trưởng 7,4% trong năm nay, thấp hơn dự kiến trước đó là 7,5% và sẽ là mức thấp nhất trong gần 1/4 thế kỷ.
Đối với Eurozone, các chuyên gia lưu ý tỷ lệ lạm phát ở mức 0,5% trong tháng 6/2014 vẫn còn rất xa so với mục tiêu do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra là 2%. Thực tế này sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách khu vực tiếp tục đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là ngăn chặn nguy cơ giảm phát.
Ngoài ra, cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành nói trên cũng dự đoán Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu nâng lãi suất từ mức thấp kỷ lục hiện nay trong nửa đầu năm tới. Kết quả khảo sát còn cho thấy hầu hết các nền kinh tế châu Á sẽ duy trì ổn định trong nửa cuối năm./.