Bãi trông xe Văn Miếu những đêm giáp Tết Tân Mão, ông Trần Thanh Phúc, bảo vệ ở bãi ngồi thu người trong chiếc áo rét to sụ, châm vội điếu thuốc hút cho bớt cái lạnh thấu da của mùa đông. Mắt ông chăm chú nhìn đằng đẵng vào dãy xe ôtô chạy dọc con phố loang lổ màu vàng nhạt của đèn đường.
Sẽ lại một đêm Giao thừa nữa ông Phúc không về nhà sum họp cùng với gia đình như bao người khác.
Ban ngày, con phố Văn Miếu ở Thủ đô thường rất ồn ào bởi dòng người và xe hối hả qua lại, đường lúc nào cũng tắc. Khi màn đêm buông xuống thì phố bỗng trở nên vắng lặng lạ thường.
Điểm trông giữ xe Văn Miếu thuộc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội nằm ở ngay đầu ngã ba Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Nơi đây có khoảng hơn 20 xe ôtô có hợp đồng gửi.
Bãi xe này là bãi thứ ba ông tới làm việc. Trước đó, ông từng trông ở các điểm Láng Hạ, Hai Bà Trưng, mỗi bãi trung bình làm được khoảng 1-2 năm thì lại chuyển.
Trong căn phòng tạm chỉ rộng chừng 3m2 được làm bằng cửa nhôm và khung kính bao quanh nhằm đảm bảo cho việc trông giữ xe tiện lợi, một cành đào đã được cắm lên. Bên trong, ông Phúc đang tranh thủ ghi sổ sách số lượng xe ra vào bãi trong khi trực.
Làm nghề này đã được hơn sáu năm, ông chỉ đón Giao thừa với gia đình được hai lần. Vợ con mãi rồi cũng quen với sự vắng mặt của ông, dù nhà ông ở ngay phố Khâm Thiên.
Nhớ lại thời gian đầu mới vào nghề, ông Phúc nhoẻn miệng cười vì những bỡ ngỡ của nghề trông giữ xe.
Trước kia, ông chỉ trông vào ban ngày nên khi làm ở đây, ban đêm thấy trống trải, cô quạnh. Cũng may có cái đài nhỏ nên ông cũng thấy đỡ nao lòng.
“Thời gian đầu chưa quen nên ngáp ngắn ngáp dài, mắt díp lại vì buồn ngủ, thậm chí tôi phải thấm ướt khăn để lau mặt cho đỡ buồn ngủ,” ông Phúc chia sẻ.
Rót thêm nước nóng vào ấm trà đặc chát, ông Phúc trầm ngâm nhìn vào khoảng tĩnh lặng đêm rồi nói: “Trông xe phải uống trà đặc mới tỉnh ngủ và minh mẫn đầu óc. Tại mỗi điểm có một đặc điểm riêng như bãi ở đây là bãi xe du lịch, ngày Tết các gia đình cũng sử dụng xe đi lại nhiều hơn.”
Trông bãi xe này có ba người thay nhau trông, cứ một tuần lại đổi ca trực một lần chia đều cho từng người. Riêng dịp Tết, số nhân viên sẽ được tăng lên hai người cho một ca trực để đỡ buồn và hàn huyên chuyện năm mới.
Giao thừa bao giờ ông Phúc cũng có nén hương, hộp bánh, chai rượu thắp lên bàn thờ trong bốt gác trực, rồi cũng làm một chén rượu chúc mừng năm mới với đồng nghiệp cho ấm lòng.
Ông Phúc nhớ lại khoảnh khắc Giao thừa năm ngoái, cũng tại bãi xe này, trước thời gian chuyển giao giữa năm, mới và năm cũ, nhìn những màn pháo hoa rực sáng bầu trời phía Bờ Hồ, ông chợt thấy bùi ngùi vì không được đón Giao thừa cũng với người thân.
“Cũng may vợ con hiểu được nghề của mình nên cũng thông cảm. Rạng sáng mùng Một năm ngoái, đứa con trai lớn mang chút thức ăn lên để động viên bố đi làm cho đỡ tủi thân,” ông Phúc tâm sự.
Cùng nghề với ông Phúc là anh Trần Hoài Long, Tết Tân Mão năm nay là lần đầu tiên anh đón Giao thừa ở bãi xe nên tâm trạng ngổn ngang cảm xúc.
Cầm chiếc đèn pin soi từng dãy xe trên đường Trần Nhân Tông, anh Long đang kiểm tra lại sân bãi và xe để đảm bảo an toàn an ninh.
Quê ở tận Thái Nguyên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh xin làm nhân viên bảo vệ của Công ty Vĩnh Hà.
Làm lâu, anh Long cũng đúc rút được kinh nghiệm với nghề: “Làm sao để ngả lưng xuống là phải ngủ được ngay, mà có động là phải tỉnh tức thời.”
Giao thừa năm nay, anh Long sẽ điện về chúc Tết gia đình và động viên vợ con. “Năm mới là thời gian gia đình đầm ấm và san sẻ yêu thương, vì cuộc sống và công việc nên cũng phải chấp nhận trực Tết để kiếm thêm thu nhập vì trực những ngày này bao giờ cũng cao và có thêm khoản phụ,” anh Long chia sẻ.
Dù sao trông xe đêm ở bãi Văn Miếu, Trần Nhân Tông như ông Phúc, anh Long vẫn còn đỡ buồn, vì sau Giao thừa khu này tấp nập người đến hái lộc và qua lại. Có những bãi trông xe nhàn hơn nhưng quá buồn.
Tại điểm trông giữ xe ở đường Hoàng Ngân, ngồi co ro trong cabin của bãi với chiếc đèn tuýt sáng để khỏa lấp cái lạnh và đêm đen như mực của mùa đông, anh Đinh Quốc Trung, nhân viên bảo vệ đang đưa mắt ra khoảng đất phía trước có 4-5 chiếc xe chình ình nằm đó.
Theo anh Trung, ở khu này ban đêm lúc nào cũng vắng vẻ, đến Giao thừa anh chỉ biết tự chúc năm mới bằng một vài chén rượu cho ấm bụng để chống rét và ước mong công việc thuận lợi.
“Tôi từng trông ở nhiều bãi, nhưng bãi này là buồn nhất, đêm 30 năm nay lại một mình đón Tết,” anh Trung ngậm ngùi.
Với nhiều người, Giao thừa là thời gian ấm áp, hạnh phúc bên gia đình, nhưng ở đâu đó quanh cuộc sống chúng ta vẫn còn rất nhiều người phải túc trực với công việc. Với họ, Giao thừa là khoảng thời gian “trống trải” nhất trong một năm./.
Sẽ lại một đêm Giao thừa nữa ông Phúc không về nhà sum họp cùng với gia đình như bao người khác.
Ban ngày, con phố Văn Miếu ở Thủ đô thường rất ồn ào bởi dòng người và xe hối hả qua lại, đường lúc nào cũng tắc. Khi màn đêm buông xuống thì phố bỗng trở nên vắng lặng lạ thường.
Điểm trông giữ xe Văn Miếu thuộc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội nằm ở ngay đầu ngã ba Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Nơi đây có khoảng hơn 20 xe ôtô có hợp đồng gửi.
Bãi xe này là bãi thứ ba ông tới làm việc. Trước đó, ông từng trông ở các điểm Láng Hạ, Hai Bà Trưng, mỗi bãi trung bình làm được khoảng 1-2 năm thì lại chuyển.
Trong căn phòng tạm chỉ rộng chừng 3m2 được làm bằng cửa nhôm và khung kính bao quanh nhằm đảm bảo cho việc trông giữ xe tiện lợi, một cành đào đã được cắm lên. Bên trong, ông Phúc đang tranh thủ ghi sổ sách số lượng xe ra vào bãi trong khi trực.
Làm nghề này đã được hơn sáu năm, ông chỉ đón Giao thừa với gia đình được hai lần. Vợ con mãi rồi cũng quen với sự vắng mặt của ông, dù nhà ông ở ngay phố Khâm Thiên.
Nhớ lại thời gian đầu mới vào nghề, ông Phúc nhoẻn miệng cười vì những bỡ ngỡ của nghề trông giữ xe.
Trước kia, ông chỉ trông vào ban ngày nên khi làm ở đây, ban đêm thấy trống trải, cô quạnh. Cũng may có cái đài nhỏ nên ông cũng thấy đỡ nao lòng.
“Thời gian đầu chưa quen nên ngáp ngắn ngáp dài, mắt díp lại vì buồn ngủ, thậm chí tôi phải thấm ướt khăn để lau mặt cho đỡ buồn ngủ,” ông Phúc chia sẻ.
Rót thêm nước nóng vào ấm trà đặc chát, ông Phúc trầm ngâm nhìn vào khoảng tĩnh lặng đêm rồi nói: “Trông xe phải uống trà đặc mới tỉnh ngủ và minh mẫn đầu óc. Tại mỗi điểm có một đặc điểm riêng như bãi ở đây là bãi xe du lịch, ngày Tết các gia đình cũng sử dụng xe đi lại nhiều hơn.”
Trông bãi xe này có ba người thay nhau trông, cứ một tuần lại đổi ca trực một lần chia đều cho từng người. Riêng dịp Tết, số nhân viên sẽ được tăng lên hai người cho một ca trực để đỡ buồn và hàn huyên chuyện năm mới.
Giao thừa bao giờ ông Phúc cũng có nén hương, hộp bánh, chai rượu thắp lên bàn thờ trong bốt gác trực, rồi cũng làm một chén rượu chúc mừng năm mới với đồng nghiệp cho ấm lòng.
Ông Phúc nhớ lại khoảnh khắc Giao thừa năm ngoái, cũng tại bãi xe này, trước thời gian chuyển giao giữa năm, mới và năm cũ, nhìn những màn pháo hoa rực sáng bầu trời phía Bờ Hồ, ông chợt thấy bùi ngùi vì không được đón Giao thừa cũng với người thân.
“Cũng may vợ con hiểu được nghề của mình nên cũng thông cảm. Rạng sáng mùng Một năm ngoái, đứa con trai lớn mang chút thức ăn lên để động viên bố đi làm cho đỡ tủi thân,” ông Phúc tâm sự.
Cùng nghề với ông Phúc là anh Trần Hoài Long, Tết Tân Mão năm nay là lần đầu tiên anh đón Giao thừa ở bãi xe nên tâm trạng ngổn ngang cảm xúc.
Cầm chiếc đèn pin soi từng dãy xe trên đường Trần Nhân Tông, anh Long đang kiểm tra lại sân bãi và xe để đảm bảo an toàn an ninh.
Quê ở tận Thái Nguyên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh xin làm nhân viên bảo vệ của Công ty Vĩnh Hà.
Làm lâu, anh Long cũng đúc rút được kinh nghiệm với nghề: “Làm sao để ngả lưng xuống là phải ngủ được ngay, mà có động là phải tỉnh tức thời.”
Giao thừa năm nay, anh Long sẽ điện về chúc Tết gia đình và động viên vợ con. “Năm mới là thời gian gia đình đầm ấm và san sẻ yêu thương, vì cuộc sống và công việc nên cũng phải chấp nhận trực Tết để kiếm thêm thu nhập vì trực những ngày này bao giờ cũng cao và có thêm khoản phụ,” anh Long chia sẻ.
Dù sao trông xe đêm ở bãi Văn Miếu, Trần Nhân Tông như ông Phúc, anh Long vẫn còn đỡ buồn, vì sau Giao thừa khu này tấp nập người đến hái lộc và qua lại. Có những bãi trông xe nhàn hơn nhưng quá buồn.
Tại điểm trông giữ xe ở đường Hoàng Ngân, ngồi co ro trong cabin của bãi với chiếc đèn tuýt sáng để khỏa lấp cái lạnh và đêm đen như mực của mùa đông, anh Đinh Quốc Trung, nhân viên bảo vệ đang đưa mắt ra khoảng đất phía trước có 4-5 chiếc xe chình ình nằm đó.
Theo anh Trung, ở khu này ban đêm lúc nào cũng vắng vẻ, đến Giao thừa anh chỉ biết tự chúc năm mới bằng một vài chén rượu cho ấm bụng để chống rét và ước mong công việc thuận lợi.
“Tôi từng trông ở nhiều bãi, nhưng bãi này là buồn nhất, đêm 30 năm nay lại một mình đón Tết,” anh Trung ngậm ngùi.
Với nhiều người, Giao thừa là thời gian ấm áp, hạnh phúc bên gia đình, nhưng ở đâu đó quanh cuộc sống chúng ta vẫn còn rất nhiều người phải túc trực với công việc. Với họ, Giao thừa là khoảng thời gian “trống trải” nhất trong một năm./.
Mạnh Hùng (Vietnam+)