Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank), kinh tế Đức được dự báo có thể suy giảm nhẹ trong quý 3 năm nay.
Trong báo cáo tháng 9, Bundesbank cho rằng trong thời điểm hiện tại, nền kinh tế Đức khó có thể mong đợi những động lực tích cực từ lĩnh vực tiêu dùng cá nhân - một trụ cột quan trọng của nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm lại, lương tăng mạnh và tình hình thị trường lao động tốt, các hộ gia đình tại Đức vẫn kiềm chế chi tiêu. Lĩnh vực dịch vụ cũng đang phải đối mặt với tình trạng tiêu dùng cá nhân yếu.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong tháng 7 giảm mạnh so với tháng trước và quý trước. Các ngành như sản xuất ôtô, vốn trước đây hỗ trợ tốt cho sản xuất công nghiệp nói chung, đều giảm mạnh. Các ngành sử dụng nhiều năng lượng như hóa chất, thép... tiếp tục phải đối mặt với giá năng lượng cao.
[Chính phủ Đức nhất trí gói giảm thuế doanh nghiệp đến 32 tỷ euro]
Sau khi giảm đáng kể trong nửa đầu năm, giá năng lượng và nguyên liệu thô trên thị trường thế giới gần đây đã tăng nhẹ. Bundesbank cho rằng điều này tiếp tục khiến lĩnh vực công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đơn đặt hàng công nghiệp trong tháng 7 giảm mạnh so với quý trước, cả trong và ngoài nước.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo, hoạt động công nghiệp sẽ tiếp tục sụt giảm trong những tháng tới.
Bất chấp nền kinh tế Đức đang suy yếu, thị trường lao động nước này vẫn ổn định. Tỷ lệ việc làm tăng nhẹ trong tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ổn định ở mức tương đối thấp.
Theo dự báo mới đây của Viện Nghiên cứu Thị trường Lao động Đức, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng chậm trong mùa Thu này.
Tỷ lệ lạm phát giảm nhẹ từ 6,5% trong tháng 7 xuống 6,4% trong tháng Tám. Bundesbank kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới. Tuy nhiên trong bối cảnh tiền lương tăng mạnh, tỷ lệ lạm phát có thể sẽ vẫn ở mức trên 2% trong trung hạn./.