Buôn lậu đường cát gia tăng tại các tỉnh phía Tây Nam

Từ năm 2018 đến hết tháng 9 năm nay, các cơ quan này đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 876 vụ, xử phạt vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường trị giá trên 12 tỷ đồng.
Tình hình vận chuyển trái phép đường cát đường qua biên giới vẫn diễn ra theo chiều hướng phức tạp và có xu hướng tăng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tình hình vận chuyển trái phép đường cát đường qua biên giới vẫn diễn ra theo chiều hướng phức tạp và có xu hướng tăng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Báo cáo từ Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho thấy “tình hình vận chuyển trái phép đường cát đường qua biên giới vẫn diễn ra theo chiều hướng phức tạp và có xu hướng tăng. Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Tây Nam để đưa vào thị trường tiêu thụ.”

Theo số liệu của các lực lượng chức năng, từ năm 2018 đến hết tháng 9 năm nay đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 876 vụ, xử phạt vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường trị giá trên 12 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là đường nhập lậu, vi phạm về nhãn hàng hóa, đường không rõ nguồn gốc xuất xứ.

[Kết quả điều hành phát triển kinh tế-xã hội tạo niềm tin cho nhân dân]

Các địa bàn “nóng” có các đối tượng vi phạm hoành hành chủ yếu tập trung ở những tỉnh trọng điểm như thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Quảng Trị, Kiên Giang, Bình Phước,…

Theo đánh giá từ cơ quan chức năng, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép đường cát từ Thái Lan trên các địa bàn nêu trên diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Khi bị phát hiện bắt giữ, các đối tượng đã chống trả quyết liệt, vứt hàng bỏ chạy; sử dụng bộ hồ sơ mua đấu giá đường hợp pháp để hợp thức hóa hàng lậu nhằm đối phó với các lực lượng chức năng...

Hiện, giá đường của Việt Nam đang cao hơn so với Thái Lan vì “ngành mía đường trong nước đang phải đối mặt trực diện với sự cạnh tranh bất bình đẳng dưới nhiều hình thức gian lận thương mại, trợ cấp, trợ giá, bảo hộ trá hình được tiến hành một cách tinh vi, có hệ thống trên quy mô lớn từ nhiều thập kỷ.”

Thông tin từ báo cáo cho thấy, riêng hai năm qua, 1/3 các nhà máy đường trong nước đã phải đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bị bỏ hoang vì thua lỗ.

Để giải quyết vấn đề trên, một trong những giải pháp được Ban chỉ đạo đề xuất, đó là yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường. Hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã “QR code” nhằm kiểm tra tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa nhanh chóng, đối phó hữu hiệu hơn vấn nạn đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu.

Ban chỉ đạo cũng đề xuất điều tra, xử lý nghiêm các công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu. Cơ quan chức năng sẽ thực hiện luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm” ở các thị trường dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục