Buôn lậu, gian lận thương mại tại TP.HCM tiếp tục diễn biến phức tạp

Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng TP.HCM đã kiểm tra, phát hiện 21.180 vụ vi phạm, trong đó có 1.900 vụ về hàng cấm, hàng nhập lậu; 348 vụ hàng giả và 18.920 vụ về gian lận thương mại.
Buôn lậu, gian lận thương mại tại TP.HCM tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh 1Hàng lậu do Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ. (Nguồn: haiquan.hochiminhcity.gov.vn)

Ngày 29/7, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Trưởng ban chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình vận chuyển, buôn bán, chứa trữ hàng nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và tác động không tốt đến nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính.

Trong 6 tháng đầu năm, báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra, phát hiện 21.180 vụ vi phạm.

Trong số vụ vi phạm, có 1.900 vụ về hàng cấm, hàng nhập lậu; 348 vụ hàng giả và 18.920 vụ về gian lận thương mại.

Trong 21.180 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng lậu cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự 58 vụ vi phạm; trong đó, lực lượng Hải quan thành phố cũng đã xử lý 595 vụ vi phạm, tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 994,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kiểm tra chuyên ngành và liên ngành 13.618 vụ, tăng 3.058 vụ so với cùng kỳ năm trước, qua đó phát hiện 2.776 vụ vi phạm trong 6 tháng đầu năm 2019.

Chỉ tính riêng hoạt động kiểm tra chuyên ngành, các đội Quản lý thị trường đã phát hiện 2.318 vụ vi phạm, đã xử phạt 2.352 vụ, số tiền nộp ngân sách hơn 49 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tiêu hủy 31,7 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chờ bán hơn 70,4 tỷ đồng. 

Theo ông Nguyễn Văn Bách, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, các loại hàng hóa nhập lậu kinh doanh, chứa trữ trên địa bàn thành phố thường được các đối tượng vận chuyển qua đường biển, đường hàng không, đường bộ và đường sắt sau đó chứa trữ tại các kho bãi lớn và phân phối đi các thị trường.

[Thành phố Hồ Chí Minh: Phát hiện lượng lớn hàng lậu, cấm kinh doanh]

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi, không theo thời gian cụ thể đã gây khó khăn cho việc kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều đợt truy quét hàng giả với quy mô lớn tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, các điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và tịch thu được số lượng lớn hàng hóa vi phạm.

Điển hình, vào trung tuần tháng 7/2019, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra 34 vụ tại chợ Bến Thành và 10 vụ tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square.

Kết quả, 6 đội quản lý thị trường đã tạm giữ 1.834 đơn vị sản phẩm đồng hồ, bút, giày dép, quần áo, túi xách, bóp, ví có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Mont Blanc, Hermes...

Hàng hóa bị tạm giữ không có hóa đơn chứng từ, tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 256 triệu đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Thương mại song phương Việt Nam-Ba Lan

Thương mại song phương Việt Nam-Ba Lan

Những năm gần đây, thương mại hai nước Việt Nam-Ba Lan đã có được những động lực tăng trưởng đáng kể. Năm 2024, thương mại hai nước đạt 3,44 tỷ USD, tăng 21,7% so với năm 2023.

Thu hoạch hồ tiêu. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Dự báo nguồn cung giảm, hồ tiêu được giá

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu dự báo tiếp tục sụt giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ ổn định là động lực giúp giá tiêu năm 2025 giữ ở mức cao, tạo đà cho xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng.