Số ca nhiễm COVID-19 trong các nhà trường đang không ngừng tăng lên ở mức chính lãnh đạo các trường cũng không ngờ tới. Việc dạy và học trực tuyến vì thế đã nảy sinh nhiều bất cập và cần ứng phó linh hoạt để đảm bảo chất lượng giáo dục.
F0 tăng nhanh ngoài dự đoán
Chỉ sau khoảng chục ngày mở cửa học trực tiếp, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải xin cấp trên cho toàn trường chuyển sang học trực tuyến một tuần, từ 21/2.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, được đi học trực tiếp là mong mỏi của tất cả học sinh, giáo viên và cả các phụ huynh. Trước khi đón học sinh, trường đã chuẩn bị rất nhiều phương án phòng chống dịch, lên rất nhiều kịch bản, xác định số F0 sẽ tăng cao và xuất hiện nhiều F0 trong trường.
“Nhưng thực tế chưa thể tượng tượng được số F0, F1 lại nhiều và tăng nhanh như thế. Số F0, F1 ở các lớp lên đến 20% tổng số học sinh. Nhiều lớp số lượng học sinh đi học trực tiếp còn rất ít. Ban đầu, trường quyết định cho một vài lớp có số học sinh nghỉ quá nhiều chuyển sang học trực tuyến. Tuy nhiên, sang tuần này, chúng tôi buộc phải xin cho cả trường học trực tuyến một tuần vì số F0 tăng nhanh cả ở học sinh và giáo viên, bên cạnh đó thời tiết lại rét đậm rét hại,” thầy Bình cho hay.
Theo thầy Bình, hiện số giáo viên thuộc diện F0 của trường đã chiếm gần 10% tổng số giáo viên cơ hữu, chưa kể số giáo viên F1. Số giáo viên bị nhiễm bệnh tăng đã khiến cho nhà trường gặp khó khăn trong bố trí đội ngũ, không còn đủ giáo viên để dạy thay, dạy bù.
“Nếu cứ như vậy sẽ rất không ổn khi chương trình học đã ở giai đoạn cuối năm học, phải ôn tập cho các em chuẩn bị thi cuối kỳ, đặc biệt là với học sinh cuối cấp, nhà trường phải dạy và ôn tập cho các em có đủ kiến thức để thi tốt nghiệp, thi chuyển cấp, thi các kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào các trường đại học. Việc học không thể dừng lại được trong khi số giáo viên F0 vẫn tăng lên,” thầy Bình lo lắng nói.
Theo thầy Bình, một tuần học trực tuyến vừa giúp cho các thầy cô, học sinh ổn định lại tinh thần, giáo viên F0 thể nhẹ và giáo viên F1 có thể dạy trực tiếp tại nhà. Trường cũng tận dụng khoảng thời gian này để nâng cấp đường truyền Internet, lắp đặt hệ thống camera, nhằm giúp việc dạy học kết hợp trực tuyến và trực tiếp ở các lớp hiệu quả hơn.
“Trước khi mở cửa trở lại, trường bố trí một số phòng học kết hợp online và offline, nhưng số ca F0 tăng ở tất cả các lớp nên hiện lớp nào cũng cần kết hợp on-off. Hệ thống đường truyền không đủ cho hơn 50 lớp truy cập cùng lúc nên chúng tôi phải nâng cấp Internet và lắp đặt thêm camera ở các phòng,” thầy Bình nói.
Tại trường Trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai), cô Hiệu trưởng Chu Thị Xuân Hường cho hay để giảm thiểu lây nhiễm chéo trong đội ngũ, các giáo viên được yêu cầu hạn chế giao tiếp với nhau tối đa. Mỗi giáo viên ăn trưa ở một phòng riêng.
“Chúng tôi đặt mục tiêu các giáo viên không là F1 của nhau trong trường học, nhưng số giáo viên F0 vẫn tăng do lây nhiễm từ gia đình. Giáo viên F0, F1 sẽ phải dạy trực tuyến từ nhà. Ở trên lớp, trường phải bố trí giáo viên hỗ trợ quản lý học sinh trong các tiết thầy cô dạy từ xa,” cô Hường nói.
Trong khi đó, tại Thái Bình, cô giáo Nguyễn Thị Hương cho hay tất cả các lớp trong trường đều vắng ít nhất khoảng 7-8 học sinh vì COVID-19. Có lớp chỉ còn khoảng chục em đi học trực tiếp. “Số ca nhiễm COVID-19 tăng rất nhanh đến mức không ngờ tới từ sau Tết Nguyên đán khiến cho học sinh đi học cũng không tránh khỏi tâm lý lo lắng,” cô Hương chia sẻ.
Cần linh hoạt ứng phó
Chia sẻ về quyết định chuyển sang học trực tuyến khi sỹ số học sinh trên lớp vơi dần, thầy Nguyễn Quốc Bình cho rằng mục tiêu của việc học trực tiếp là giúp học sinh có môi trường học tập truyền thống, nghĩa là được giao lưu bạn bè, được trao đổi, thầy cô sát sao hơn. “Tuy nhiên, khi một lớp chỉ còn vài em thì tôi cho rằng mục tiêu này đã không còn đạt được. Qua đánh giá cho thấy khi giáo viên phải dạy vừa trực tuyến, vừa trực tiếp thì không chất lượng vì thầy cô phải quán xuyến cả hai nhóm học sinh với hai hình thức khác nhau.
“Dạy vừa online vừa offline, nếu ở trong lớp học sinh sinh ồn thì các bạn học trực tuyến rất khó nghe. Chất lượng đường truyền kém thì thậm chí các em nghe không rõ, nhìn không thấy. Một lớp càng đông học sinh thì chất lượng dạy và học càng giảm, thậm chí không bằng nếu học online hoàn toàn. Đó là thực tế. Tất nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải nỗ lực khắc phục những khó khăn để giúp học sinh học tập chất lượng nhất, như việc trường đang làm là nâng cấp hệ thống Internet, trang bị máy,” thầy Bình nói.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh cho rằng với những hạn chế của mô hình học kết hợp trực tiếp và trực tuyến, nếu một lớp học có số học sinh vắng quá nhiều, đến trên 50%, hoặc số giáo viên phải cách ly nhiều thì nên chuyển sang học trực tuyến để đảm bảo chất lượng đào tạo.
“Tôi cho rằng nên trao quyền chủ động cho các nhà trường. Trong bối cảnh hiện nay, phải xử lý tình huống cụ thể theo từng đơn vị lớp chứ không thể theo từng trường được nữa. Như vậy mới duy trì và đảm bảo được chất lượng dạy và học, nhất là với học sinh cuối cấp,” thầy Bình chia sẻ.
Trong khi ở các thành phố, các nhà trường có điều kiện cơ sở vật chất để kết hợp học trực tiếp và trực tuyến thì ở các vùng nông thôn và khu vực khó khăn, học sinh không đi học là mất bài. Cô Nguyễn Thị Hương (Thái Bình) cho hay nếu không đến lớp, học sinh sẽ phải tự xem các bài giảng qua video trên phần mềm và làm các bài tập theo yêu cầu của giáo viên.
[Số ca mắc COVID-19 tăng cao, tỷ lệ học sinh học trực tiếp giảm gần 15%]
“Vì vậy, nhiều khi đến lớp, thấy vắng tới 3/4 học sinh, tôi băn khoăn không biết có nên dạy bài mới hay không vì các em không thể đến lớp vì dịch bệnh sẽ rất thiệt thòi, nhưng quan điểm của ngành là một học sinh vẫn dạy nên tôi phải chấp hành, dù như vậy theo tôi là không công bằng với các học sinh đang bị cách ly,” cô Hương chia sẻ.
Cũng theo cô Hương, nhiều giáo viên vì thương học sinh nên ban ngày dạy trực tiếp ở trường, tối về lại dạy trực tuyến cho những học sinh đang phải cách ly. “Tuy nhiên, đây không phải giải pháp lâu dài vì giáo viên sẽ rất mệt và họ cũng còn phải lo cho gia đình, con cái,” cô Hương nói.
Không ủng hộ quan điểm “một học sinh cũng dạy,” thầy Nguyễn Quốc Bình cho rằng không thể áp các mệnh lệnh, khẩu hiệu không thực tế mà phải đặt mục tiêu cuối cùng là chất lượng giáo dục, đảm bảo quyền lợi cho học sinh.
“Nếu học sinh có thể học được qua bài giảng video thì rõ ràng không cần đến hệ thống các nhà trường, thầy cô giáo. Các em học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vốn đã rất thiệt thòi, lại còn bị thiệt thòi trong học tập. Học trực tiếp là tốt nhất, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh phải hết sức linh hoạt, tuỳ thực tế từng địa phương, từng khu vực, từng trường, thậm chí từng lớp để có hình thức dạy và học phù hợp nhất. Như vậy mới đảm bảo được chất lượng giáo dục,” thầy Bình nói./.