Theo số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê, cả nước có gần 12.000 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11 và giảm 8,3% so với tháng 10. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới vẫn tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, cả nước còn đón nhận 6.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, con số này tăng tới 61% so với tháng trước và tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2021.
[Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tặng nhẹ 0,3% so với tháng trước]
Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng chứng kiến sự rút lui của 4.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tương ứng giảm 1,3% và tăng 13,7%, gần 5.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,3% và tăng 9,8%, hơn 1.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 11,2% và tăng 13,2%.
Số liệu thống kê ghi nhận trong trong 11 tháng, cả nước có 194.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân một tháng có 17.700 doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Trước áp lực cạnh tranh cùng với những khó khăn, thách thức từ nền kinh tế trong và ngoài nước, số doanh nghiệp đóng cửa lên tới 132.300 doanh nghiệp và tăng 24,3%, bình quân mỗi tháng có 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ có nhiều rào cản, thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Cụ thể, số đơn hàng mới cho năm 2023 tại các ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, như dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng...
Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022. Thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chỉ ra hơn 562.400 người lao động đang bị giảm giờ làm (chiếm 90%) và gần 31.400 người lao động đã bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 5%) và 31.000 người lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc (chiếm 5%)./.