Đợt hạn hán nghiêm trọng nhất ở Mỹ trong gần nửa thế kỷ qua và vụ mùa thất bát tại "vựa lúa mì" Biển Đen đã đẩy giá lương thực thế giới lên cao trong tháng Sáu và tháng Bảy vừa qua.
Giá ngô và đậu tương đã tăng tương ứng 50% và 20%, lúa mì cũng tăng giá khoảng 50%.
Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế kỳ cựu, đồng thời là chuyên gia phân tích thị trường lương thực của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), cảnh báo giá lương thực có thể tăng cao hơn nữa và nếu không có những biện pháp hữu hiệu của cộng đồng quốc tế thì có khả năng tình hình sẽ diễn biến tương tự những gì thế giới đã trải qua năm 2007-2008.
Ngũ cốc tăng giá lần thứ ba trong vòng bốn năm
Giá dầu mỏ cao, tiêu thụ nhiên liệu sinh học tăng, những trận mưa trái mùa ở Brazil, hạn hán kéo dài ở Mỹ và ở Nga, chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của một số nước và giá cả trên thị trường ngũ cốc kỳ hạn tăng vọt là những nhân tố đứng đằng sau đợt tăng mạnh của giá lương thực trên toàn cầu trong tháng Bảy vừa qua.
Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của FAO, thước đo sự thay đổi giá hàng tháng của rổ lương thực, thực phẩm trên thế giới gồm 55 sản phẩm; trong đó có ngũ cốc, hạt có dầu, bơ sữa, thịt và đường, trong tháng Năm năm nay đã giảm mạnh nhất trong vòng hơn hai năm qua (còn 203,9 điểm), góp phần làm dịu căng thẳng chi tiêu của các hộ gia đình. Nhưng sang tháng Bảy vừa qua, chỉ số này đã bất ngờ tăng lên 213 điểm, cao hơn so với thời điểm khủng hoảng giá lương thực năm 2007-2008.
Giá ngũ cốc đã tăng vọt trước những đồn đoán rằng các nước sản xuất ngũ cốc ở vùng Biển Đen, đặc biệt là Nga, có thể hạn chế xuất khẩu do hạn hán tác động đến mùa vụ. Sản lượng lúa mì dường như cũng dao động do hạn hán đang gây ảnh hưởng tới các nước sản xuất lớn như Nga, Ukraine và Kazakhstan, làm tăng nguy cơ các nước này sẽ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lúa mì nhằm bình ổn giá cả trong nước.
Thời tiết khắc nghiệt cũng đang diễn ra tại hai nước sản xuất lúa mì chủ chốt khác là Australia và Ấn Độ. Chỉ số giá ngũ cốc trong tháng Bảy đã tăng tới 17% so với tháng trước đó, trong đó giá ngô tăng gần 33% và giá lúa mì tăng 19%.
Còn chỉ số giá đường trong cùng thời gian này tăng 12%, do mưa trái mùa đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch mía ở Brazil - nước sản xuất đường lớn nhất thế giới. Ngoài ra, mùa gió mùa đến muộn ở Ấn Độ và tình trạng thiếu mưa tại Australia cũng là nhân tố ảnh hưởng đến vụ mía đường của hai quốc gia này.
Chưa tới mức thiếu cung
Tuy nhiên, chuyên gia Abbassian lưu ý rằng tình trạng giá lương thực leo thang hiện nay khác hẳn cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2007-2008, bởi nhân tố chính đẩy chi phí lương thực lên cao hồi đó là việc giá dầu thô thế giới tăng lên mức cao kỷ lục (hơn 147 USD/thùng). Thêm vào đó, giới đầu tư kinh doanh trên các thị trường hàng hóa đẩy mạnh đầu cơ và các nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu. Tình trạng đó đã khiến các nước nghèo bị tổn thương nhiều nhất, gây bất ổn tại nhiều nước từ Ai Cập tới Mozambique và Mexico.
Trong khi đó, chính phủ các nước, các tổ chức nhân đạo và các công ty thực phẩm đều kết luận rằng đợt tăng giá lương thực gần đây không nghiêm trọng như năm 2007-2008, với lý do chỉ là do hạn hán tại Mỹ - nước sản xuất ngô, lúa mì và đậu tương hàng đầu thế giới.
Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich cho rằng Nga sẽ có đủ ngũ cốc cho xuất khẩu, ước tính khoảng 10-12 triệu tấn, sau khi đã dành cho tiêu dùng trong nước. Tình hình hiện nay không đáng lo ngại như những lần trước và Chính phủ Nga sẽ không áp dụng các biện pháp can thiệp vào thị trường hay điều chỉnh xuất khẩu để hỗ trợ thị trường ngũ cốc trong nước, bởi giá đã bắt đầu ổn định.
Theo Hiệp hội Ngũ cốc Nga, dù sản lượng ngũ cốc trong nước năm nay có giảm so với năm ngoái do thời tiết không thuận, nhưng không phải là thấp (75-80 triệu tấn, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Nga).
Trên cơ sở đó Phó Chủ tịch Hiệp hội Alexander Korbut cho rằng khi Nga không có nguy cơ thiếu ngũ cốc thì việc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu là không hợp lý, bởi nó sẽ khiến người sản xuất thua thiệt. Việc Nga áp đặt lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường thế giới vốn đang bị ảnh hưởng từ tình trạng hán hạn tại các khu vực trồng ngô của Mỹ. Lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi gia súc do gián tiếp đẩy giá thức ăn tăng lên, trong khi Nga vẫn là nước nhập khẩu thịt rất lớn. Vì thế, cấm xuất khẩu ngũ cốc sẽ không giúp gì cho thị trường lương thực của Nga.
Trên phạm vi toàn cầu, sản lượng ngũ cốc năm nay sẽ giảm, song vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu, mặc dù người tiêu dùng ở các nước đang phát triển có thể chịu tác động của việc giá cả tăng. FAO ước tính sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm nay sẽ giảm 23 triệu tấn xuống 2,396 tỷ tấn, song sản lượng dự báo đó sẽ vẫn cao kỷ lục và tăng 2% so với mức đỉnh đạt được hồi năm ngoái. Thêm vào đó, cung cầu vẫn cân đối trong năm 2012-2013, nhờ nguồn gạo dự trữ khá dồi dào và dự trữ lúa mì đủ dư cho xuất khẩu.
Sản lượng thóc gạo toàn cầu năm nay, theo ước tính của FAO, cũng sẽ cao hơn năm ngoái đạt 724,5 triệu tấn. Hoạt động buôn bán gạo trong năm 2012 dự kiến giảm 1 triệu tấn xuống còn 34,2 triệu tấn, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu từ các nước châu Á giảm.
Áp lực với các nước nghèo
Giá lương thực tăng càng gây thêm sức ép lên những nỗ lực chống đói nghèo. Theo Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Jim Yong Kim, khi giá lương thực tăng mạnh, các gia đình phải đối mặt với nguy cơ con cái nghỉ học, mua các thực phẩm rẻ hơn và ít dinh dưỡng. Điều này có thể gây những hệ lụy trong suốt cuộc đời về mặt xã hội, thể chất và tinh thần của hàng triệu người trẻ.
Chủ tịch WB khẳng định: "Chúng ta không thể cho phép giá lương thực tăng trong ngắn hạn gây những hậu quả lâu dài cho tầng lớp người nghèo và dễ bị tổn thương nhất.”
Người châu Á sẽ không mua ôtô, hàng điện tử, túi xách đắt tiền, bia nhập khẩu hay quần áo thời trang nếu việc “đặt thức ăn lên bàn” đứng trước rủi ro. Điều quan trọng hơn là nếu còn quá nhiều người châu Á phải dồn tâm trí vào việc làm sao để đủ ăn thì nguy cơ bất ổn sẽ gia tăng. Đây cũng không bao giờ là nền tảng lý tưởng để kinh tế tăng trưởng mạnh.
Giá lương thực, thực phẩm tăng cao có thể giáng đòn kinh tế mạnh vào các nước đang phát triển, nhất là các nước nghèo nhất thế giới nhập khẩu lương thực, do hóa đơn nhập khẩu tăng mạnh. Tổ chức Oxfam nhận định giá ngũ cốc tăng cao có nguy cơ đẩy hàng triệu người vào cảnh bị đói và thiếu dinh dưỡng trong bối cảnh thế giới hiện đã có gần 1 tỷ người lâm vào tình cảnh này.
Trong khi người nghèo trên thế giới phản ứng bằng cách lựa chọn những thực phẩm rẻ hơn, hoặc đơn giản là ăn ít đi, thì người dân tại các nước giàu có hơn vẫn có khả năng chi trả. Do đó nhu cầu lương thực vẫn tiếp tục được duy trì. Điều này dẫn tới việc giá ngô và đậu tương sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong một thời gian dài nữa.
Hai nước chủ chốt trong Nhóm G20 là Mỹ và Pháp cùng Mexico đang tính tới khả năng triệu tập "Diễn đàn phản ứng nhanh" vào đầu tháng Chín năm nay để bàn về những biện pháp tránh nguy cơ lặp lại tình trạng bạo loạn xã hội vì giá lương thực tăng cao, như đã từng xảy ra ở các nước nghèo cách đây bốn năm.
Theo một quan chức Bộ Nông nghiệp Pháp, ba nước thảo luận báo cáo về giá lương thực do Hệ thống Thông tin Thị trường Nông nghiệp (AMIS) cung cấp. G20 thành lập AMIS hồi năm ngoái trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Pháp nhằm chia sẻ thông tin về giá ngũ cốc trên quan điểm tránh lặp lại khủng hoảng lương thực như năm 2008./.
Giá ngô và đậu tương đã tăng tương ứng 50% và 20%, lúa mì cũng tăng giá khoảng 50%.
Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế kỳ cựu, đồng thời là chuyên gia phân tích thị trường lương thực của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), cảnh báo giá lương thực có thể tăng cao hơn nữa và nếu không có những biện pháp hữu hiệu của cộng đồng quốc tế thì có khả năng tình hình sẽ diễn biến tương tự những gì thế giới đã trải qua năm 2007-2008.
Ngũ cốc tăng giá lần thứ ba trong vòng bốn năm
Giá dầu mỏ cao, tiêu thụ nhiên liệu sinh học tăng, những trận mưa trái mùa ở Brazil, hạn hán kéo dài ở Mỹ và ở Nga, chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của một số nước và giá cả trên thị trường ngũ cốc kỳ hạn tăng vọt là những nhân tố đứng đằng sau đợt tăng mạnh của giá lương thực trên toàn cầu trong tháng Bảy vừa qua.
Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của FAO, thước đo sự thay đổi giá hàng tháng của rổ lương thực, thực phẩm trên thế giới gồm 55 sản phẩm; trong đó có ngũ cốc, hạt có dầu, bơ sữa, thịt và đường, trong tháng Năm năm nay đã giảm mạnh nhất trong vòng hơn hai năm qua (còn 203,9 điểm), góp phần làm dịu căng thẳng chi tiêu của các hộ gia đình. Nhưng sang tháng Bảy vừa qua, chỉ số này đã bất ngờ tăng lên 213 điểm, cao hơn so với thời điểm khủng hoảng giá lương thực năm 2007-2008.
Giá ngũ cốc đã tăng vọt trước những đồn đoán rằng các nước sản xuất ngũ cốc ở vùng Biển Đen, đặc biệt là Nga, có thể hạn chế xuất khẩu do hạn hán tác động đến mùa vụ. Sản lượng lúa mì dường như cũng dao động do hạn hán đang gây ảnh hưởng tới các nước sản xuất lớn như Nga, Ukraine và Kazakhstan, làm tăng nguy cơ các nước này sẽ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lúa mì nhằm bình ổn giá cả trong nước.
Thời tiết khắc nghiệt cũng đang diễn ra tại hai nước sản xuất lúa mì chủ chốt khác là Australia và Ấn Độ. Chỉ số giá ngũ cốc trong tháng Bảy đã tăng tới 17% so với tháng trước đó, trong đó giá ngô tăng gần 33% và giá lúa mì tăng 19%.
Còn chỉ số giá đường trong cùng thời gian này tăng 12%, do mưa trái mùa đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch mía ở Brazil - nước sản xuất đường lớn nhất thế giới. Ngoài ra, mùa gió mùa đến muộn ở Ấn Độ và tình trạng thiếu mưa tại Australia cũng là nhân tố ảnh hưởng đến vụ mía đường của hai quốc gia này.
Chưa tới mức thiếu cung
Tuy nhiên, chuyên gia Abbassian lưu ý rằng tình trạng giá lương thực leo thang hiện nay khác hẳn cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2007-2008, bởi nhân tố chính đẩy chi phí lương thực lên cao hồi đó là việc giá dầu thô thế giới tăng lên mức cao kỷ lục (hơn 147 USD/thùng). Thêm vào đó, giới đầu tư kinh doanh trên các thị trường hàng hóa đẩy mạnh đầu cơ và các nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu. Tình trạng đó đã khiến các nước nghèo bị tổn thương nhiều nhất, gây bất ổn tại nhiều nước từ Ai Cập tới Mozambique và Mexico.
Trong khi đó, chính phủ các nước, các tổ chức nhân đạo và các công ty thực phẩm đều kết luận rằng đợt tăng giá lương thực gần đây không nghiêm trọng như năm 2007-2008, với lý do chỉ là do hạn hán tại Mỹ - nước sản xuất ngô, lúa mì và đậu tương hàng đầu thế giới.
Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich cho rằng Nga sẽ có đủ ngũ cốc cho xuất khẩu, ước tính khoảng 10-12 triệu tấn, sau khi đã dành cho tiêu dùng trong nước. Tình hình hiện nay không đáng lo ngại như những lần trước và Chính phủ Nga sẽ không áp dụng các biện pháp can thiệp vào thị trường hay điều chỉnh xuất khẩu để hỗ trợ thị trường ngũ cốc trong nước, bởi giá đã bắt đầu ổn định.
Theo Hiệp hội Ngũ cốc Nga, dù sản lượng ngũ cốc trong nước năm nay có giảm so với năm ngoái do thời tiết không thuận, nhưng không phải là thấp (75-80 triệu tấn, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Nga).
Trên cơ sở đó Phó Chủ tịch Hiệp hội Alexander Korbut cho rằng khi Nga không có nguy cơ thiếu ngũ cốc thì việc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu là không hợp lý, bởi nó sẽ khiến người sản xuất thua thiệt. Việc Nga áp đặt lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường thế giới vốn đang bị ảnh hưởng từ tình trạng hán hạn tại các khu vực trồng ngô của Mỹ. Lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi gia súc do gián tiếp đẩy giá thức ăn tăng lên, trong khi Nga vẫn là nước nhập khẩu thịt rất lớn. Vì thế, cấm xuất khẩu ngũ cốc sẽ không giúp gì cho thị trường lương thực của Nga.
Trên phạm vi toàn cầu, sản lượng ngũ cốc năm nay sẽ giảm, song vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu, mặc dù người tiêu dùng ở các nước đang phát triển có thể chịu tác động của việc giá cả tăng. FAO ước tính sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm nay sẽ giảm 23 triệu tấn xuống 2,396 tỷ tấn, song sản lượng dự báo đó sẽ vẫn cao kỷ lục và tăng 2% so với mức đỉnh đạt được hồi năm ngoái. Thêm vào đó, cung cầu vẫn cân đối trong năm 2012-2013, nhờ nguồn gạo dự trữ khá dồi dào và dự trữ lúa mì đủ dư cho xuất khẩu.
Sản lượng thóc gạo toàn cầu năm nay, theo ước tính của FAO, cũng sẽ cao hơn năm ngoái đạt 724,5 triệu tấn. Hoạt động buôn bán gạo trong năm 2012 dự kiến giảm 1 triệu tấn xuống còn 34,2 triệu tấn, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu từ các nước châu Á giảm.
Áp lực với các nước nghèo
Giá lương thực tăng càng gây thêm sức ép lên những nỗ lực chống đói nghèo. Theo Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Jim Yong Kim, khi giá lương thực tăng mạnh, các gia đình phải đối mặt với nguy cơ con cái nghỉ học, mua các thực phẩm rẻ hơn và ít dinh dưỡng. Điều này có thể gây những hệ lụy trong suốt cuộc đời về mặt xã hội, thể chất và tinh thần của hàng triệu người trẻ.
Chủ tịch WB khẳng định: "Chúng ta không thể cho phép giá lương thực tăng trong ngắn hạn gây những hậu quả lâu dài cho tầng lớp người nghèo và dễ bị tổn thương nhất.”
Người châu Á sẽ không mua ôtô, hàng điện tử, túi xách đắt tiền, bia nhập khẩu hay quần áo thời trang nếu việc “đặt thức ăn lên bàn” đứng trước rủi ro. Điều quan trọng hơn là nếu còn quá nhiều người châu Á phải dồn tâm trí vào việc làm sao để đủ ăn thì nguy cơ bất ổn sẽ gia tăng. Đây cũng không bao giờ là nền tảng lý tưởng để kinh tế tăng trưởng mạnh.
Giá lương thực, thực phẩm tăng cao có thể giáng đòn kinh tế mạnh vào các nước đang phát triển, nhất là các nước nghèo nhất thế giới nhập khẩu lương thực, do hóa đơn nhập khẩu tăng mạnh. Tổ chức Oxfam nhận định giá ngũ cốc tăng cao có nguy cơ đẩy hàng triệu người vào cảnh bị đói và thiếu dinh dưỡng trong bối cảnh thế giới hiện đã có gần 1 tỷ người lâm vào tình cảnh này.
Trong khi người nghèo trên thế giới phản ứng bằng cách lựa chọn những thực phẩm rẻ hơn, hoặc đơn giản là ăn ít đi, thì người dân tại các nước giàu có hơn vẫn có khả năng chi trả. Do đó nhu cầu lương thực vẫn tiếp tục được duy trì. Điều này dẫn tới việc giá ngô và đậu tương sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong một thời gian dài nữa.
Hai nước chủ chốt trong Nhóm G20 là Mỹ và Pháp cùng Mexico đang tính tới khả năng triệu tập "Diễn đàn phản ứng nhanh" vào đầu tháng Chín năm nay để bàn về những biện pháp tránh nguy cơ lặp lại tình trạng bạo loạn xã hội vì giá lương thực tăng cao, như đã từng xảy ra ở các nước nghèo cách đây bốn năm.
Theo một quan chức Bộ Nông nghiệp Pháp, ba nước thảo luận báo cáo về giá lương thực do Hệ thống Thông tin Thị trường Nông nghiệp (AMIS) cung cấp. G20 thành lập AMIS hồi năm ngoái trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Pháp nhằm chia sẻ thông tin về giá ngũ cốc trên quan điểm tránh lặp lại khủng hoảng lương thực như năm 2008./.
Hoàng Hà (TTXVN)