Cá tra Việt Nam đang tìm đường đến với các thị trường khó tính

Muốn xuất khẩu sang Nhật, doanh nghiệp Việt cần nắm bắt đúng thị hiếu tiêu dùng của người Nhật Bản và ứng dụng công nghệ cao của Nhật Bản vào quy trình kiểm soát vi sinh trên sản phẩm.
Cá tra Việt Nam đang tìm đường đến với các thị trường khó tính ảnh 1Người lao động tại xưởng chế biến cá tra xuất khẩu của Công ty Bianfishco, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Huy Hùn/TTXVN)

Theo thống kê của Tổng Cục Thủy sản Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt hơn 500 triệu USD, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, tổng diện tích thả nuôi cá tra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là 3.100ha, sản lượng đạt hơn 500.000 tấn, tăng 1,3% về diện tích và 2,2% về sản lượng so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, dù cá tra đang là sản phẩm được nhiều thị trường khó tính ưa chuộng, nhưng con đường đi vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Linh hoạt ứng phó

Sản phẩm cá tra Việt Nam đã được xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Cụ thể, trong sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 133 triệu USD, tăng gần 41%; Mỹ đạt hơn 118 triệu USD, giảm 22%; châu Âu đạt trên 78 triệu USD, giảm 28%; châu Á đạt gần 53 triệu USD, giảm xấp xỉ 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Qua đó có thể thấy, nhiều thị trường "khó tính" nay càng khó tính hơn đối với sản phẩm cá tra Việt Nam. Nguyên nhân chính là do những thông tin sai lệch, phản ánh không đúng sự thật về cá tra tại các nước thuộc thị trường châu Âu. Thực tế, sản phẩm cũng còn đơn điệu chưa tác động đến thị hiếu tiêu dùng của người châu Âu. Thêm nữa, lại phải đối mặt với các đạo luật như Luật Nông trại (Farm Bill), các đợt kiểm tra của luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm Mỹ (FSMA) đang gây ra rào cản thương mại đối với cá tra Việt Nam.

Ngành cá tra Việt Nam cũng như các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra hiện đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có giải pháp hỗ trợ.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng thị trường Mỹ vẫn là thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam. Vì thế, vừa qua Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 55/2017NĐ-CP thay thế cho nghị định 36/2014NĐ-CP tạo cơ chế thông thoáng hơn cho cá tra; trong đó, Chính phủ cũng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm thủy sản đối với cá tra; tạo hành lang pháp lý tốt nhất để người nuôi, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu làm căn cứ thực hiện; đồng thời triệt tiêu doanh nghiệp làm ăn gian dối, gây ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của con cá tra Việt Nam.

Về phía các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng phải có hướng đi riêng đối với từng sản phẩm cá tra. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quảng trị Công ty Cổ phần Hùng Vương, chia sẻ ngoài việc đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng các quy chuẩn chất lượng và hàng rào thương mại khi vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp cũng cần linh động thay đổi chiến lược xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu như tăng sản phẩm cao cấp, chất lượng cao bởi yếu tố giá thấp không ảnh hưởng và không phải là lựa chọn của người tiêu dùng khu vực này.

[Cá tra nhập khẩu vào Hoa Kỳ bị kiểm tra 100% lô hàng kể từ ngày 2/8]

Mở rộng thêm thị trường

Sản phẩm cá tra Việt Nam đã thâm nhập được nhiều thị trường khó tính của thế giới là Mỹ, châu Âu nhưng vẫn còn nhiều thị trường khó tính khác chưa thể chạm tới, cụ thể là thị trường Nhật Bản.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp từng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản, Nhật Bản là thị trường sẵn sàng chấp nhận các sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam, nhưng đưa ra một danh sách rất dài với những danh mục tiêu chí an toàn thực phẩm. Mặt hàng nào phải đáp ứng dưới 200 tiêu chí mới được nhập khẩu và sản phẩm cá tra cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, cá tra Việt Nam muốn xuất khẩu sang Nhật không khó. Doanh nghiệp chỉ cần nắm bắt đúng thị hiếu tiêu dùng của người Nhật Bản và ứng dụng công nghệ cao của Nhật Bản vào quy trình kiểm soát vi sinh trên sản phẩm thủy sản nói chung và sản phẩm cá tra nói riêng.

Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), gần đây, một số siêu thị lớn của Nhật Bản và một số cửa hàng nằm trong nhóm gồm 1.700 cửa hàng của hệ thống AEON (Nhật Bản) có trưng bày bán sản phẩm cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay để cá tra Việt Nam có thể tiếp cận với thị hiếu tiêu dùng Nhật Bản không đơn giản là đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn phải có chiến lược thuyết phục người Nhật thay đổi khẩu vị từ việc chỉ ăn cá biển sang thưởng thức một loại cá nước ngọt, da trơn, được tẩm ướp như cá tra Việt Nam.

Bất kỳ thị trường nào cũng đều có những phân khúc tiêu dùng khác nhau. Không riêng với thị trường Mỹ, châu Âu mà cả thị trường Nhật Bản, Trung Quốc. Vì vậy, việc mở rộng thêm thị trường cho con cá tra, sản phẩm mang lại kim ngạch hơn 1,6 tỷ USD hàng năm cho Việt Nam là điều cần làm trước mắt.

Chính vì vậy, chiến lược sắp tới là doanh nghiệp cũng phải giảm dần cá tra nguyên con đông lạnh, cắt khoanh đông lạnh, block đông lạnh; hướng đến tăng sản phẩm có tỷ lệ mạ băng thấp, hàm ẩm thấp, giá bán cao. Châu Âu vẫn còn nhiều phân khúc tiêu thụ sản phẩm đông lạnh nhập khẩu với giá cao, chất lượng cao, nhất là các thị trường như Tây Ban Nha, Hà Lan,…

Theo chia sẻ của một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, khi bán giá cao thì cho dù xuất khẩu với số lượng thấp thì doanh nghiệp vẫn mang lại nguồn thu lớn cho Việt Nam; đồng thời lại vừa khẳng định giá trị sản phẩm cá tra trên thị trường thế giới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, để ngành cá tra Việt Nam phát triển bền vững, ngoài việc phải linh hoạt phát triển nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao ở từng thị trường, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường truyền thông về hình ảnh đẹp của cá tra Việt Nam ra thị trường thế giới, giúp cá tra đến với người tiêu dùng thuận lợi hơn; đồng thời, kết hợp với nhiều giải pháp khác để giữ uy tín cho con cá tra Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục