Vòng đàm phán mới nhất về tái thống nhất đảo Cyprus đã kết thúc ngày 12/1 tại Geneva (Thụy Sĩ) mà không đạt được thỏa thuận mang tính đột phá.
Tuy nhiên, Liên hợp quốc cho biết các bên liên quan đã thể hiện quyết tâm "nỗ lực đến cùng" nhằm chấm dứt tình trạng chia cắt hơn 40 năm qua của hòn đảo trên Địa Trung Hải thông qua kế hoạch nối lại đàm phán vào ngày 18/1 sắp tới với mục tiêu tháo gỡ vấn đề gai góc nhất liên quan đến an ninh.
Vòng đàm phán vừa kết thúc dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc chứng kiến cuộc gặp chung lần đầu tiên giữa Tổng thống Cộng hòa Cyprus, ông Nicos Anastasiades, đại diện cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp, và ông Mustafa Akinci - lãnh đạo cộng đồng Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ với ngoại trưởng 3 nước châu Âu đóng vai trò giám hộ an ninh gồm Anh, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông báo của Liên hợp quốc ngày 12/1 cho biết "các bên liên quan đều ghi nhận thời điểm đã chín muồi cho kết thúc thành công quá trình đàm phán, và thời điểm hiện tại là một cơ hội lịch sử không thể bị bỏ lỡ."
Từ ngày 18/1, nhóm công tác gồm quan chức kỹ thuật của 2 cộng đồng đảo Cyprus và 3 nước giám hộ sẽ bắt đầu họp để thảo luận vấn đề gai góc nhất hiện nay là an ninh và vai trò giám hộ của bên ngoài đối với đảo Cyprus. Song song với đó là các cuộc đàm phán cùng cấp của hai cộng đồng nhằm thảo luận vấn đề hoán đổi lãnh thổ và phân chia tài sản cho một nhà nước liên bang sau tái thống nhất.
Kết quả các cuộc họp kỹ thuật này sẽ là cơ sở cho một hội nghị chính trị cấp cao với sự tham gia của tất cả các bên liên quan nhằm xem xét dự thảo cuối cùng cho tiến trình tái thống nhất đảo Cyprus.
Các quan chức ngoại giao quốc tế nhìn nhận quan điểm ôn hòa và các nỗ lực không mệt mỏi của hai nhà lãnh đạo Nicos Anastasiades và Mustafa Akinci là "cơ hội tốt nhất" cho tiến trình đàm phán tái thống nhất đảo Cyprus đã kéo dài qua nhiều thế hệ.
Mặc dù vậy, ngày 12/1, tân Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thừa nhận không thể trông đợi có một giải pháp ngay lập tức cho vấn đề nan giải này, bất chấp tiến triển quan trọng đạt được ngày 11/1 khi đại diện hai cộng đồng gốc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên đệ trình lên Liên hợp quốc đề xuất của mình về giải pháp hoán đổi lãnh thổ và phân chia tài sản sau khi tái thống nhất.
Theo đề xuất trên, cộng đồng Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý chỉ còn kiểm soát từ 28,2% đến 29,2% so với mức hiện nay là 36% diện tích lãnh thổ hòn đảo từng là thuộc địa của Anh này. Về phần mình, Anh cũng khẳng định ủng hộ thỏa thuận hòa bình cuối cùng giữa hai cộng đồng bằng việc cam kết sẽ hoàn trả một nửa trong 254km2 lãnh thổ đảo Cyprus - tương đương 3% tổng lãnh thổ - vẫn do nước này kiểm soát.
Gai góc nhất đối với các nỗ lực đạt được thỏa thuận cuối cùng về thống nhất đảo Cyprus là vấn đề an ninh và vai trò giám hộ từ bên ngoài đối với các cộng đồng trên hòn đảo. Những người Cyprus gốc Hy Lạp muốn giải tán cơ chế giám hộ an ninh quốc tế và sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trên hòn đảo. Trong khi đó, cộng đồng Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ lại yêu cầu duy trì cơ chế giám hộ hiện tại.
Phát biểu với báo chí ngày 12/1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng nhấn mạnh việc nước này duy trì hiện diện quân sự và vai trò giám hộ tại đảo Cyprus là thể theo yêu cầu "thiết yếu" của cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong trường hợp các bên liên quan tìm kiếm được giải pháp chung cho các bất đồng còn tồn tại, vấn đề tái thống nhất đảo Cyprus sẽ được quyết định chính thức thông qua một cuộc trưng cầu ý dân ngay trong năm 2017 "nếu mọi việc diễn ra thuận lợi". Trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2004, những người Cyprus gốc Hy Lạp đã bác bỏ kế hoạch tái thống nhất do Liên hợp quốc đề xuất, trong khi người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu ủng hộ.
Đảo Cyprus bị chia cắt từ năm 1974 sau cuộc đảo chính bất thành của những người gốc Hy Lạp nhằm sát nhập hòn đảo này vào nhà nước liên bang với Hy Lạp. Sau sự kiện này, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân vào và hậu thuẫn thành lập cái gọi là "Cộng hòa miền Bắc Cyprus" của những người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên cho đến nay, Cộng hòa Cyprus của những người gốc Hy Lạp vẫn là thể chế hợp pháp duy nhất đại diện cho hòn đảo được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU).
Vòng đàm phán vừa kết thúc ngày 12/1 cũng chứng kiến sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.
Một đảo Cyprus hòa bình và thống nhất với những mỏ khí đốt tự nhiên có trữ lượng lớn mới được phát hiện ngoài khơi được kỳ vọng sẽ giúp EU giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga./.