Các cơ sở kinh doanh xoay sở thế nào khi bị cấm bán đồ 'ngốn điện'?

Việc Chính phủ cấm, loại bỏ một số thiết bị hiệu suất thấp, tốn điện theo Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg ít nhiều làm xáo trộn hoạt động mua bán của nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng đồ dân dụng.
Nhiều cửa hàng kinh doanh đồ điện, đồ dân dụng vẫn còn một số mặt hàng tồn kho, nằm trong diện phải ngừng kinh doanh theo Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg. (Ảnh minh họa: Minh Hiếu/Vietnam+)
Nhiều cửa hàng kinh doanh đồ điện, đồ dân dụng vẫn còn một số mặt hàng tồn kho, nằm trong diện phải ngừng kinh doanh theo Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg. (Ảnh minh họa: Minh Hiếu/Vietnam+)

Sau gần 1 tháng kể từ khi Quyết định 14/2023 của Thủ tướng về việc cấm nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh các thiết bị điện, đồ gia dụng có hiệu suất thấp, sử dụng công nghệ cũ như bóng đèn huỳnh quang compact, bếp hồng ngoại, bếp từ, bình đun nước nóng... có hiệu lực, khá nhiều tiểu thương trên địa bàn Thủ đô vẫn đang băn khoăn và lo ngại về lượng hàng còn tồn chưa biết xử lý như thế nào.

Trong khi đó, doanh nghiệp hay các đại lý, chuỗi cửa hàng bán lẻ lại tỏ ra yên tâm hơn vì có thể “đổi, trả” sản phẩm theo hợp đồng đã ký kết với nhà phân phối, sản xuất.

Tiểu thương lo tồn kho, mất vốn

Anh Thế Duy, chủ cửa hàng kinh doanh thiết bị đồ gia dụng tại Bách Khoa (quân Hai Bà Trưng) đang ngồi kiểm tra lại số hàng hóa lưu trong kho thuộc diện không được bán mà cảm thấy vô cùng lo lắng. Đa số sản phẩm của anh đều có xuất xứ từ Trung Quốc, nhiều mẫu là hàng tồn kho lâu năm. Trong số đó, có tới 60% lượng hàng nằm trong danh sách phải ngừng kinh doanh theo quy định mới của Chính phủ.

“Vì cửa hàng chủ yếu bán cho khách bình dân nên đa số tôi toàn nhập những mẫu mã hơi cũ một chút nhưng chất lượng còn tốt, vẫn dùng ổn. Tuy vậy, với quy định mới thì coi như hơn nửa số lượng sản phẩm của quán phải ‘đóng hòm,’ không bán được nữa,” anh Duy than thở.

[Danh mục các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ]

Sau gần một tháng kể từ khi Quyết định trên được thực thi, theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, tại một số cửa hàng kinh doanh đồ điện dân dụng ở một số tuyến phố như Nguyễn Công Trứ, Bạch Mai, Phùng Hưng, Nguyễn Trãi… vẫn còn khá nhiều sản phẩm tồn kho sản xuất từ 5-7 năm, thậm chí hơn 10 năm trước.

Các sản phẩm có thể kể tên như quạt điện của một số hãng Vinawind, Natifan, Xiaomi; bóng đèn huỳnh quang, đèn sợi đốt điện quang, nồi cơm điện các loại… có tuổi đời từ 7-10 năm; mức tiết kiệm năng lượng thấp, tiêu chuẩn cũ TCVN 7826:2015, TCVN 7896:2015, TCVN 8249:2013… nằm trong diện phải ngừng kinh doanh.

Các cơ sở kinh doanh xoay sở thế nào khi bị cấm bán đồ 'ngốn điện'? ảnh 1Một số sản phẩm đồ gia dụng có tuổi đời cao, sử dụng năng lượng hiệu suất thấp nằm trong diện ngừng kinh doanh theo Quyết đinh 14. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Một điều đáng nói thêm, đó là đa số chủ cửa hàng kinh doanh thiết bị điện được hỏi đều cho biết chưa hề biết đến quy định này, số khác thì đã nắm thông tin qua đọc báo mạng. Hơn nữa, họ cũng chưa thấy cơ quan chức năng liên hệ thông báo chính thức hay tuyên truyền về việc cấm kinh doanh những thiết bị điện, đồ gia dụng tiêu tốn điện năng.

Chị Quỳnh Hoa, chủ cửa hàng đồ gia dụng tại phố Hồng Mai bày tỏ ra bất ngờ và lo lắng về số lượng hàng tồn kho đang còn tương đối nhiều, khoảng gần 4-5 thùng đèn huỳnh quang và hơn chục chiếc quạt điện cỡ nhỏ nhập về nhưng vẫn chưa thể tiêu thụ hết do sức mua rất yếu trong thời gian từ đầu năm trở lại đây.

“Hàng hóa đều được chúng tôi mua đứt bán đoạn, nhập qua tay nên không có hợp đồng giao kèo về việc thu hồi nếu không bảo đảm chất lượng hay không đạt tiêu chuẩn quy định của cơ quan quản lý,” chị Hoa nói.

Tương tự, ông Minh Tiến, chủ cửa hàng thiết bị gia dụng tại phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) cho biết cửa hàng cũng đã hạn chế nhập các thiết bị có hiệu suất thấp, không tiết kiệm điện từ lâu song cũng vẫn còn một số mẫu mã bị tồn kho, đặc biệt là bình siêu tốc, bếp điện cũ…

“Nếu Chính phủ cấm kinh doanh thì phải có quy định tới các đơn vị sản xuất có chính sách thu hồi, đổi mới cho các cửa hàng bán lẻ. Chúng tôi đã bỏ tiền ra nhập thiết bị mà giờ cấm bán thì mất một mớ tiền,” ông Tiến chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, người chuyên phân phối đồ gia dụng, khi áp dụng quy định mới, các cửa hàng nhỏ lẻ sẽ chịu thiệt vì đa phần không ký cam kết đổi trả trong những tình huống này. Do đó, cần có lộ trình đủ để các cửa hàng kinh doanh nhỏ có thời gian xả hàng, thu hồi vốn.

Đại lý, chuổi bán lẻ lớn vẫn ‘vô tư’

Bên cạnh các cửa hàng nhỏ lẻ, các hệ thống siêu thị, trung tâm điện máy trên địa bàn Thủ đô đang trong quá trình thống kê, kiểm tra lại những sản phẩm không còn phù hợp với tiêu chuẩn mới. Hầu hết họ đều ký hợp đồng cam kết với nhà phân phối và hãng về việc buôn bán, kinh doanh các mặt hàng được pháp luật Việt Nam cho phép. Nếu hàng hóa không đáp ứng được tiêu chuẩn về quy định mới thì hãng và nhà phân phối phải có trách nhiệm thu hồi hoặc có giải pháp xử lý.

Các cơ sở kinh doanh xoay sở thế nào khi bị cấm bán đồ 'ngốn điện'? ảnh 2Các hệ thống đại lý bán lẻ, siêu thị đã có phương án để xử lý những sản phẩm không phù hợp với quy định của Nhà nước. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống bán lẻ CellphoneS cho biết ngoài các sản phẩm về smartphone, máy tính bảng thì đơn vị còn kinh doanh đa dạng các ngành hàng gia dụng như tivi, tủ lạnh, bếp từ, bếp điện, quạt điện… Các sản phẩm này luôn được cập nhật những mẫu mã mới nhất, không nằm trong diện bị ảnh hưởng của Quyết đinh 14/2023/QĐ-TTg.

“Trong tương lai, nếu các sản phẩm tồn kho không còn phù hợp với các quy định, chúng tôi cũng đã lên phương án, cam kết với các nhà cung cấp để xử lý những sản phẩm đó, cam kết mang đến cho khách hàng những sản phẩm mới, hiện đại và tiết kiệm năng lượng,” ông Huy cho hay.

Tương tự, CellphoneS, các đơn vị bán lẻ khác như Điện Máy Xanh, FPT Shop, MediaMart, HC... cũng xác nhận hầu hết toàn bộ sản phẩm đang bày bán đều đạt tiêu chuẩn mới.

Về phía doanh nghiệp sản xuất, đại diện của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết từ ngày 31/12/2019, công ty đã dừng sản xuất sản phẩm đèn huỳnh quang, compact hiệu suất thấp, chuyển hoàn toàn sang sản xuất các sản phẩm đèn LED hiệu suất cao. Gần 130 sản phẩm LED của công ty đã dán nhãn năng lượng.

“Cùng với quá trình chuyển đổi số trong sản xuất, các hoạt động đổi mới sáng tạo được áp dụng trong công cụ giám sát và quản lý năng lượng để kiểm soát và giảm thiểu lượng điện tiêu thụ. Hệ thống giám sát năng lượng được lắp đặt theo dõi các hoạt động tiêu thụ điện, thiết lập chương trình giảm thiểu điện trong giờ cao điểm. Bên cạnh đó, Rạng Đông cũng chú trọng đầu tư, cải tiến, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm điện,” vị đại diện Rạng Đông cho biết thêm./.

Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg ban hành từ ngày 24/5/2023 và có hiệu lực từ ngày 15/7/2023, theo đó quy định về danh mục thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ (không cho phép nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh trong nước) và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới.

Cụ thể, danh mục và lộ trình thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp, theo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) phải loại bỏ bao gồm 3 nhóm thiết bị:

- Nhóm thiết bị gia dụng (1): Bóng đèn huỳnh quang compact (TCVN 7896:2015), balát điện tử dùng cho bóng đèn huỳnh quang (TCVN 7897:2013; TCVN 8248:2013 ), bóng đèn huỳnh quang ống thẳng (TCVN 8249:2013), quạt điện (TCVN 7826:2015), máy giặt gia dụng (TCVN 8526:2013), nồi cơm điện (TCVN 8252:2015), tủ lạnh và tủ đông (TCVN 7828:2013), bình đun nước nóng có dự trữ (TCVN 7898:2009), máy điều hòa không ống gió (TCVN 7830:2015), máy thu hình (TCVN 9536:2012).

- Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại (2): Màn hình máy tính (TCVN 9508:2012), máy photocopy (TCVN 9510:2012), máy in (TCVN 9509:2012), tủ giữ lạnh thương mại (TCVN 10289:2014).

- Nhóm thiết bị công nghiệp (3): Động cơ điện không đồng bộ ba pha roto lồng sóc (TCVN 7540:2013), máy biến áp phân phối (TCVN 8525:2015), nồi hơi trong xí nghiệp công nghiệp (TCVN 8630:2010).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục