Các công ty châu Âu cân nhắc dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà máy châu Âu đang cân nhắc khả năng dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, song điều này không hề dễ dàng.
Các công ty châu Âu cân nhắc dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc ảnh 1Tàu hàng Trung Quốc tại cảng Rotterdam của Hà Lan. (Ảnh: THX)

Theo báo cáo mới nhất của công ty cung cấp dịch vụ kiểm soát chất lượng và chuỗi cung ứng QIMA, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang hoàn toàn tái lập chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng gây bất lợi cho ngành chế tạo Trung Quốc.

Sau khi tiến hành khảo sát, QIMA cho biết có khoảng 80% doanh nghiệp Mỹ được hỏi xác định sẽ rời Trung Quốc. Con số này là 67% cho các doanh nghiệp có trụ sở tại Liên minh châu Âu (EU).

Những số liệu trên của QIMA không phải bằng chứng duy nhất cho thấy sự thay đổi này. Nhu cầu về dịch vụ kiểm toán của QIMA từ các công ty Trung Quốc đã giảm 13%, do khách hàng nước ngoài của các nhà sản xuất tại đây đang ngày càng ít.

Nguyên dân dẫn đến sự suy giảm này là do những khách hàng e ngại các chi phí thuế quan hoặc đang cân nhắc chuyển một phần hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh những mức thuế đó. Ngoài ra, chi phí lao động gia tăng và việc chính quyền Bắc Kinh thắt chặt các quy định về môi trường cũng khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài rời Trung Quốc ngày một nhiều hơn.

Trong khảo sát mới nhất của QIMA, hơn 75% số doanh nghiệp Mỹ cho biết họ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp thuế quan. Tuy nhiên, con số này của EU chỉ là 14% vì các quốc gia trong khối này không áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như Mỹ. 

['Mỹ cũng như Trung Quốc đều muốn một thỏa thuận thương mại']

Mặc dù mức độ căng thẳng về thuế quan không cao, song mối đe dọa về các biện pháp thuế trả đũa cùng với việc các đối thủ cạnh tranh đang tìm nguồn cung ứng ở nơi khác cũng khiến nhiều doanh nghiệp châu Âu xem xét lại chuỗi cung ứng của mình. 

Hầu hết các doanh nghiệp EU đang tìm nguồn cung hàng hóa từ khu vực Nam Á, nơi đã ghi nhận nhu cầu kiểm tra và kiểm toán tăng 34% trong nửa đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có nghĩa là số lượng nhà máy tại Nam Á có thể đã cao hơn so với một năm trước.

Trong khi đó, một số công ty châu Âu cũng đang đưa chuỗi cung ứng của họ đến gần “sân nhà” hơn. Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước châu Phi ghi nhận nhu cầu kiểm tra và kiểm toán tăng trên 40% vào cùng giai đoạn. QIMA cũng lưu ý, các nhà sản xuất dệt may của EU đã tăng cường nguồn cung ứng từ Romania và Bồ Đào Nha trong năm nay.

Tuy nhiên, QIMA thừa nhận việc các công ty châu Âu rời Trung Quốc sẽ không hề dễ dàng. Thực tế là nhiều công ty châu Âu đã dành hơn 20 năm để làm quen với các đối tác Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc cũng đã cải thiện chất lượng sản xuất của họ rất nhiều. Theo QIMA, nhiều công ty Trung Quốc có thể sản xuất đồng thời cả hàng thuộc phân khúc cao cấp lẫn bình dân – điều mà các quốc gia tại những khu vực như Nam Á chưa làm được vì thiếu công nghệ và nhân công lành nghề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục