Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung giúp Trung Quốc mạnh hơn?

Nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại và mức thuế cao mà Mỹ gần đây áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc càng gây bất lợi.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung giúp Trung Quốc mạnh hơn? ảnh 1(Nguồn: fortune.com)

Theo mạng tin theconversation.com, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận "đình chiến" thương mại.

Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nối lại đàm phán.

Thuế mà hai bên bắt đầu áp dụng hồi năm 2018 đối với một loạt mặt hàng nhập khẩu của nhau sẽ không tăng thêm nữa.

Tuy nhiên, một số mức thuế vẫn được duy trì và quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn lâu mới có thể trở lại bình thường. Đây có thể không phải là một cuộc Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, đây sẽ là một cuộc cạnh tranh sức mạnh lớn tập trung vào việc chiếm ưu thế vượt trội về công nghệ và xem bên nào có công nghệ phát triển nhất.

[Hệ lụy từ xu hướng cực đoan trong cạnh tranh Mỹ-Trung]

Nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại và mức thuế cao mà Mỹ gần đây áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc càng gây bất lợi. Tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm từ 6,6% năm 2018 xuống còn 6,4% trong quý 1/2019.

Tuy nhiên, xét về dài hạn, sức ép từ chính quyền của Tổng thống Trump sẽ giúp Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn. Sức ép này sẽ giúp Trung Quốc tăng tốc nỗ lực cải tổ nền kinh tế, tập trung nhiều hơn vào đổi mới và củng cố niềm kiêu hãnh dân tộc.

Những tiến bộ về công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng một đế chế và sự trỗi dậy của những cường quốc mới, chính động cơ hơi nước và sau đó là các công nghệ điện đã thúc đẩy sự phát triển của đế quốc Anh và Mỹ.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm thay đổi cạnh tranh quốc tế - chuyển từ cạnh tranh về lao động, lãnh thổ, vũ trang hạt nhân và quyền lực mềm sang cạnh tranh về công nghệ mới, gồm chế tạo rôbốt, trí tuệ nhân tạo (AI) và các dịch vụ không dây.

Lời kêu gọi thức tỉnh

Cho tới tận gần đây, các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn làm việc dựa trên quan điểm cho rằng Mỹ là siêu cường công nghệ của thế giới và Thung lũng Silicon là trung tâm phát minh của toàn cầu.

Trung Quốc bị coi là kẻ chuyên sao chép, tạo ra những bản sao vụng về của các công nghệ Mỹ, hay sử dụng những doanh nghiệp của nhà nước để mua lại các công ty sáng tạo của Mỹ và từ đó sở hữu tài sản trí tuệ và tri thức của các công ty này.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung giúp Trung Quốc mạnh hơn? ảnh 2(Nguồn: Bloomberg)

Tuy nhiên, khi nói đến 5G - thế hệ mạng tiếp theo của công nghệ Internet siêu nhanh - thì Mỹ lại bị tụt lại phía sau. Không có công ty nào của Mỹ có thiết bị không dây so sánh được với Huawei. Điều này đã thúc đẩy Tổng thống Trump gây ra cuộc chiến với công ty công nghệ này của Trung Quốc.

Đầu tiên, ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cấm mua bán và sử dụng thiết bị viễn thông bị cho là gây ra "những rủi ro không thể chấp nhận được." Sau đó, Tổng thống Trump vận động các đồng minh của Mỹ làm điều tương tự.

Các công ty đặt tại Mỹ đã làm theo. Đầu tiên, Google không cho Huawei tiếp tục sử dụng dịch vụ Android, sau đó Wi-Fi Alliance, Bluetooth và các công ty khác cũng làm điều tương tự.

Khả năng 5G và những ứng dụng của công nghệ của Huawei có thể được xem như thời khắc phóng vệ tinh Sputnik của Trung Quốc. Giống như khi Liên Xô trở thành nước đầu tiên phóng được một vệ tinh vào không gian, giúp Liên Xô có vẻ như đã chiến thắng thách thức công nghệ của thời đó, Trung Quốc hiện nay đang vượt qua các nước khác về phát triển công nghệ 5G ngày nay. Trung Quốc nhận ra những rủi ro của việc phải phụ thuộc vào Mỹ về công nghệ, kinh tế và khoa học.

Cuộc cách mạng sáng tạo

Huawei là một "sản phẩm" của chiến lược chính sách công nghiệp của chính phủ Trung Quốc. Tầm nhìn này đã nâng chuỗi giá trị kinh tế từ sản xuất rẻ tiền lên lãnh đạo sáng tạo toàn cầu, được thực hiện bởi sáng kiến "Made in China 2025" (Sản xuất tại Trung Quốc 2025) và Kế hoạch Phát triển Trí tuệ Nhân tạo, nhằm chuyển các nguồn lực sang các lĩnh vực chiến lược như máy tính, AI, rôbốt và hàng không vũ trụ.

Trung Quốc đặt mục tiêu tự sản xuất được 80% trí tuệ nhân tạo, hạn chế tối đa việc phụ thuộc vào các nước khác để có được những bộ phận phức tạp cần cho việc chế tạo công nghệ này.

Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu về AI vào năm 2030. Trung Quốc đã gặt hái được thành quả khi vào năm 2017, với 48% nguồn tài chính cho các dự án AI là của Trung Quốc, trong khi Mỹ chỉ có 38%.

Công ty iFlyTek chuyên về AI của Trung Quốc thường đánh bại Facebook, DeepMind của Alphabet, và Watson của IBM trong các cuộc cạnh tranh về tạo ra cách nói tự nhiên cho AI, cho dù là bằng "ngôn ngữ thứ hai" là tiếng Anh.

Trung Quốc hiện là quốc gia có các nghiên cứu khoa học ứng dụng cho AI nhiều nhất thế giới, điều đó cho thấy các học giả Trung Quốc đã vượt qua những đồng nghiệp Mỹ trong việc tạo ra các dữ liệu cần thiết cho AI.

Do đó, việc cấm Huawei và áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ không khiến Trung Quốc chậm lại, mà thay vào đó chúng sẽ thúc đẩy hệ thống sáng tạo mới của Trung Quốc và làm tăng các nghiên cứu khoa học nhằm giúp Trung Quốc ngày càng trở nên độc lập hơn.

Củng cố sức mạnh trong nước

Một hậu quả khác sẽ là Trung Quốc đẩy nhanh nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế của mình, tách ra khỏi ảnh hưởng của nhu cầu bên ngoài và đầu tư vào tiêu dùng ở trong nước. Điều này đã bắt đầu từ năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, và ngày càng trở nên cần thiết trong bối cảnh giới trung lưu ở Trung Quốc đang tăng lên.

Kể từ đó, những khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng quy mô lớn của chính phủ, những biện pháp nhằm làm tăng thu nhập hộ gia đình, giảm đánh thuế thu nhập, và cải thiện các hệ thống phúc lợi xã hội đã giúp tăng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước.

Khi Tổng thống Trump lần đầu công bố tăng thuế năm 2018, tiêu dùng trong nước của Trung Quốc đã đóng góp 76,2% vào tăng trưởng GDP của nước này, và thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã dung hòa được tác động tiêu cực này, bật trở lại sau sự sụt giảm nghiêm trọng ban đầu.

Kể từ đó, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những chính sách mới nhằm thúc đẩy hơn nữa nhu cầu tiêu dùng trong nước, bao gồm cắt giảm thêm thuế, cải thiện hệ thống chăm sóc trẻ em và có những sáng kiến và khích lệ về chăm sóc người già. Do đó, cuộc chiến thương mại đã giúp Trung Quốc trong nỗ lực tái phân phối của cải trong xã hội và cải tổ nền kinh tế.

Cuộc chiến thương mại cũng giúp người dân Trung Quốc tập hợp lại quanh chính phủ. Cách Mỹ đối xử với các công ty của Trung Quốc bị cho là đang ức hiếp kẻ yếu, và nhiều người còn so sánh giống như cách đế quốc Anh ép thực hiện thương mại không công bằng với Trung Quốc hồi thế kỷ 19. Chủ đề này gây xúc động một cách đáng kính ngạc trong xã hội Trung Quốc và khiến công chúng trong nước càng thêm ủng hộ chính phủ.

Như cách nói của người Trung Quốc, "trong cái rủi có cái may," khủng hoảng luôn bao gồm cả nguy hiểm và cơ hội. Khả năng của Trung Quốc trong việc tận dụng thách thức hiện nay từ Mỹ sẽ giúp nước này trở nên mạnh mẽ hơn trong nhiều năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục