Các doanh nghiệp châu Âu lo ngại về nguy cơ có thể bị cuốn vào cuộc cạnh tranh kinh tế đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó một số quan chức bày tỏ sự thất vọng trước phản ứng chậm chạp của châu Âu.
Căng thẳng thương mại leo thang giữa hai siêu cường đang làm gia tăng các vấn đề mà các chính trị gia và Giám đốc Điều hành phải đối mặt, trong bối cảnh hoạt động của nền kinh tế châu Âu đang gần như đình trệ và hiện vẫn chưa rõ liệu khu vực này sẽ phải chuẩn bị cho một cuộc hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm.
Florent Menegaux, Giám đốc Điều hành của nhà sản xuất lốp xe Pháp Michelin cho biết: “Chúng tôi đang đặc biệt theo dõi sát sao những căng thẳng hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề địa chính trị rõ ràng có ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của các công ty”.
Michelin đang xem xét nguồn cung một số linh kiện để tránh quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Việc tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thô khác, hoặc “điều chỉnh lại” chuỗi cung ứng ngày càng được các doanh nghiệp thúc đẩy, xuất phát từ những hạn chế gần đây của Trung Quốc đối với việc xuất khẩu hai nguyên liệu thô chính là gallium and germanium, được sử dụng trong chất bán dẫn.
[Mỹ-Trung Quốc cần phải đối thoại trực tiếp về những quan ngại kinh tế]
Christel Bories, Giám đốc Điều hành của tập đoàn khai khoáng Eramet cho biết việc Trung Quốc thể hiện sức mạnh đối với chuỗi cung ứng kim loại chủ chốt diễn ra sau nhiều năm đầu tư chiến lược.
Trong chuỗi giá trị pin EV, vấn đề không chỉ là kiểm soát chuỗi cung ứng mà còn là kiểm soát chi phí.
Sự thất vọng cũng đang gia tăng giữa các nhà lãnh đạo châu Âu liên quan đến những khó khăn mà Đạo luật Giảm Lạm phát của Mỹ gây ra cho một số tập đoàn công nghiệp lớn.
Một quan chức ngân hàng cho hay có một rủi ro lớn là các công ty châu Âu có thể chuyển các khoản đầu tư từ châu Âu sang Mỹ./.