Các cường quốc châu Âu tiếp cận UNCLOS để duy trì trật tự trên biển

Ba nước không có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông là Pháp, Đức và Anh đã tìm đến Liên hợp quốc nhằm gửi thông điệp “tính toàn vẹn” của UNCLOS cần được “duy trì” ở Biển Đông.
Các cường quốc châu Âu tiếp cận UNCLOS để duy trì trật tự trên biển ảnh 1Cảnh sát biển vùng 2 của Việt Nam tuần tra trên biển. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)

Cộng đồng quốc tế đang gia tăng sức ép đối với Trung Quốc liên quan các “yêu sách lịch sử” tự xưng, việc cải tạo-quân sự hóa bãi đá ngầm và bãi cạn cùng những hành động thách thức quyền tự do hàng hải trong vùng biển chung liên kết. VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Vijay Sakhuja, đăng trên trang mạng của Viện Nghiên cứu Chính sách Công quốc tế, về chủ đề này.

Ba nước không có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông là Pháp, Đức và Anh đã tìm đến Liên hợp quốc nhằm gửi thông điệp tới Đại hội đồng Liên hợp quốc rằng “tính toàn vẹn” của Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) cần được “duy trì” ở Biển Đông.

Các nước này đã đệ trình một công hàm chung khẳng định các tuyên bố của Trung Quốc về “quyền lịch sử” đối với Biển Đông không tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

[Chuyên gia: EU thúc đẩy đảm bảo tính thượng tôn pháp luật ở Biển Đông]

Ba nước này cũng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc không tuân thủ Phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc hồi năm 2016.

Công hàm nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc thực thi quyền tự do tại những vùng biển xa bờ, quyền tự do di chuyển trên biển và không phận trên biển cùng các quyền đi lại khác được quy định trong UNCLOS, bao gồm tại khu vực Biển Đông.”

Hơn nữa, ba nước là những bên ký kết UNCLOS khẳng định họ sẽ “tiếp tục duy trì và khẳng định các quyền và sự tự do được quy định trong UNCLOS, đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực theo Công ước.”

Đầu tháng 5 vừa qua, Indonesia, một nước cũng không có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông đã gửi Công hàm đến Liên hợp quốc khẳng định rằng “bản đồ bao gồm đường chín đoạn thể hiện yêu sách quyền lịch sử (của Trung Quốc) là thiếu cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế và vi phạm UNCLOS 1982,” và với tư cách một nước thành viên UNCLOS 1982, Indonesia đã “nhất quán kêu gọi tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Indonesia không chấp nhận bất cứ tuyên bố nào không tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982.”

Có ít nhất bốn lý do để các cường quốc châu Âu tiếp cận Liên hợp quốc liên quan các yêu sách bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Thứ nhất, UNCLOS đã được hầu hết các nước trên thế giới ký kết và phê chuẩn, bao gồm cả Trung Quốc.

Trong một cuộc tranh luật gần đây tại Quốc hội Anh về chủ đề “Biển Đông: Tự do hàng hải,” một thành viên Quốc hội đã nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS 1982, và làm rõ lập trường của Anh là “tự do hàng hải, bao gồm tự do đi lại trên biển và không phận trên biển phải được thực thi tại Biển Đông, bất kể các tuyên bố chủ quyền về những vấn đề trên tại đây.”

Tương tự, chiến lược “An ninh của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một thách thức chiến lược đối với Pháp”của Pháp và định hướng chính sách liên quan khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có tên “Đức-EU-châu Á: Cùng định hình thế kỷ 21” của Đức là những dấu hiệu rõ ràng về cam kết duy trì nguyên tắc nền tảng của tự do hàng hải và hàng không theo UNCLOS 1982.

Thứ hai, hải quân của Pháp và Anh là “đối tượng” của sự hạn chế tự do hàng hải của Trung Quốc.

Vào năm 2019, Pháp đã ngỡ ngàng khi Trung Quốc đáp trả việc tàu khu trục nhỏ Vendemiaire đi qua eo biển Đài Loan để thể hiện nỗ lực bảo vệ tự do hàng hải khu vực, bằng cách loại tên Pháp khỏi duyệt binh hải quân quốc tế kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Tương tự, các tàu thuộc Hải quân Hoàng gia Anh đã nhiều lần du hành qua Biển Đông để thực hiện các hoạt động FONOP và Chính phủ Anh hiện đang tranh luận về việc triển khai tàu sân bay hạt nhân tới khu vực vào năm 2021.

Thứ ba, các cường quốc châu Âu dường như đang ngầm ủng hộ lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông mà trước đó Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khẳng định, trong đó nhấn mạnh cam kết của Mỹ là “sát cánh cùng cộng đồng quốc tế để bảo vệ tự do trên biển và tôn trọng chủ quyền, bác bỏ mọi nỗ lực khiến “chân lý thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông hoặc khu vực rộng lớn hơn.”

Quả không sai khi cho rằng các nước đang lặp lại một điệp khúc với cường độ cao về yêu sách “quyền lịch sử không thể chối cãi” của Trung Quốc tại Biển Đông và các hành động gây hấn thách thức tự do hàng hải của nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục