Các "đại gia" dầu mỏ cũng gặp khó sau quyết định của OPEC

Một số“đại gia dầu mỏ,” trong đó có Venezuela, Nigeria, Iran và Nga, đang cảm nhận được khó khăn sau quyết định giữ nguyên sản lượng ở mức 30 triệu thùng/ngày mà OPEC đưa ra mới đây.
Nhà máy lọc dầu lớn nhất Kuwait Al-Ahmadi ở Al-Shuaiba. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một số "đại gia dầu mỏ," trong đó có Venezuela, Nigeria, Iran và Nga, đang cảm nhận được khó khăn sau quyết định giữ nguyên sản lượng ở mức 30 triệu thùng/ngày mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đưa ra mới đây.

Quyết định trên đã kéo giá dầu rơi xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua và khiến OPEC chia rẽ quan điểm với các nhà sản xuất dầu ngoài khối.

Cho dù có trữ lượng dầu thô đã được chứng minh lớn nhất thế giới, Venezuela lại gặp khó khăn nhất trong số các nước sản xuất dầu mỏ lớn và đã phải thông báo cắt giảm ngân sách sau quyết định trên của OPEC.

Ông James Williams, nhà phân tích năng lượng của công ty tư vấn WRTG Economics, cho rằng quyết định của OPEC thực sự là một “thảm họa” đối với Venezuela - nước vốn có dự trữ ngoại tệ quá thấp để ứng phó với kịch bản giá dầu giảm xuống dưới mức 90 USD/thùng trong vài tháng. Ước tính, doanh thu dầu mỏ đóng góp tới 96% dự trữ ngoại tệ của nước này.

Trong khi đó, Chủ tịch OPEC, đồng thời là Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria (quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất châu Phi thuộc OPEC), bà Diezani Alison-Madueke khẳng định, đây là thời điểm hết sức khó khăn đối với OPEC cũng như giá dầu mỏ thế giới nói chung. Cả các nước thành viên và không phải thành viên OPEC đều đang thiệt hại nặng nề.

Một số nước thành viên như Venezuela, Angola, Algeria, Iran và Nigeria phải siết chặt hơn các biện pháp tài chính để hạn chế tối đa tác động của việc giá dầu giảm hoặc phải cắt giảm ngân sách chi tiêu.

Cũng theo bà Alison-Madueke, Nga mặc dù chưa phải cắt giảm sản lượng khai thác song đang phải chứng kiến đồng nội tệ giảm giá mạnh. Nga là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn không thuộc OPEC với 50% nguồn thu ngân sách đến từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.

Tuy vậy, bà Alison-Madueke khẳng định OPEC sẽ giám sát chặt chẽ mọi diễn biến giá dầu nhằm xác định xem liệu phiên họp đặc biệt sắp tới của tổ chức dầu mỏ lớn nhất thế giới này có cần thảo luận các chiến lược mới để đối phó với tình hình hiện nay hay không.

Trong khi đó, các chuyên gia dầu mỏ cảnh báo trong khi các nước thành viên giàu có thuộc OPEC đang là đóng vai chính trong một cuộc cạnh tranh kéo dài để bảo vệ thị phần trước sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực dầu đá phiến Mỹ, thì các quốc gia nghèo hơn thuộc tổ chức này cũng mất hy vọng vào khả năng giá dầu sẽ tăng để có thể cân bằng ngân sách và vực dậy nền kinh tế trong nước đang trì trệ.

Không giống như các quốc gia vùng Vịnh, những nước thành viên nghèo của OPEC nhìn chung không có quỹ tài sản quốc gia để ứng phó với tình trạng giá cả biến động và đã dự thảo ngân sách dựa trên kịch bản giá khác xa với thực tế hiện này của thị trường dầu mỏ.

Ông James Williams, nhà phân tích năng lượng của công ty tư vấn WRTG Economics, cho rằng quyết định của OPEC làm gia tăng nguy cơ bất ổn ở các nước OPEC mà không có tỷ lệ dự trữ tài chính phù hợp để chống lại những biến động về giá.

Giá dầu mỏ thế giới đã giảm hơn 30% kể từ tháng 6/2014, xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Theo dự báo, giá dầu có thể ổn định xung quanh mốc 60 USD/thùng trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục