Để việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử đạt hiệu quả cao không thể tách rời các hoạt động quảng bá, giáo dục truyền thống gắn với phát triển du lịch, đưa du khách về thăm những địa danh lịch sử, tìm hiểu giá trị của từng di tích.
Đây cũng chính là loại hình du lịch được nhiều địa phương coi trọng phát triển bằng nhiều biện pháp đồng bộ, hợp lý.
Định hướng trong chiến lược phát triển du lịch
Theo các chuyên gia, du lịch về nguồn, tìm về với những di tích lịch sử cũng đồng thời là một hành trình, chuyến đi mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Thực tế, việc phát triển du lịch về nguồn, du lịch gắn với điểm đến là các di tích lịch sử đã được xác định rõ ràng trong định hướng về chiến lược phát triển du lịch của nhiều địa phương khu vực Nam Bộ, được các địa phương coi đây là tài nguyên vô giá cần được bảo tồn, phát huy một cách bền vững.
Tỉnh Bến Tre hiện có 66 di tích lịch sử-văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 18 di tích cấp quốc gia hoặc quốc gia đặc biệt, nằm trên địa bàn các, huyện, thành phố của tỉnh.
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Bến Tre Trương Quốc Phong khẳng định loại hình du lịch về nguồn, du lịch gắn với các di tích lịch sử luôn được địa phương chú trọng đưa vào định hướng chiến lược phát triển du lịch. Thời gian qua, các di tích lịch sử như di tích Đồng Khởi Bến Tre (ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam), Khu lưu niệm-đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định (ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm), căn cứ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định (ở xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc)… đã được nhiều công ty du lịch đưa vào tour, tuyến để phục vụ du khách trong hành trình về quê hương xứ Dừa nói riêng,vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
[Các di tích lịch sử ở Nam Bộ: Những địa chỉ đỏ lưu dấu chiến công]
Tương tự, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Trần Chí Dũng cho biết Kiên Giang có hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn khá đa dạng thuộc 4 khu vực phát triển du lịch của tỉnh là Hà Tiên-Kiên Lương và phụ cận, vùng U Minh Thượng và phụ cận, Rạch Giá và vùng phụ cận, Phú Quốc.
Các khu vực phát triển du lịch của tỉnh đều có các di tích lịch sử-văn hóa đã được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia hoặc quốc gia đặc biệt như Khu Di tích lịch sử-thắng cảnh Hòn Đất (xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất), Di tích Nhà tù Phú Quốc (huyện Phú Quốc), Căn cứ U Minh Thượng (xã An Minh Bắc và Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang). Các di tích này đều được xác định là điểm đến nổi bật trong các chương trình du lịch của nhiều đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh thời gian qua.
Theo đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Hòn Đất, thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Hòn Đất đã đặt mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 tiếp tục đặc biệt coi trọng phát triển loại hình du lịch tham quan các di tích lịch sử-văn hóa; tranh thủ các nguồn vốn để trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử-thắng cảnh Hòn Đất; trong đó tôn tạo một số hạng mục tại khu mộ Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng, phục dựng lại một số hạng mục, khung cảnh tại các hang Hòn (Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Quéo).
Huyện Hòn Đất cũng chọn Lễ hội kỷ niệm Ngày hy sinh của nữ Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng là lễ hội chủ đạo của huyện nhằm tạo điểm nhấn, sự khác biệt thu hút du khách. Các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội được tổ chức với phương châm thể hiện sự trân trọng đối với các giá trị lịch sử, đồng thời kết hợp hài hòa với một số yếu tố phù hợp trong cuộc sống hiện đại hôm nay.
Tăng cường kết nối để thêm trải nghiệm cho du khách
Tìm hiểu về di tích lịch sử và tăng cường kết nối, lồng ghép nhiều hoạt động, đan xen các điểm đến nhằm tạo điều kiện cho du khách hiểu thêm về sự khác biệt của mỗi địa phương trên cơ sở tài nguyên thiên nhiên, nét văn hóa trong đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương đang là hướng phát triển du lịch được nhiều địa phương xác định thực hiện và có những hoạt động xúc tiến, quảng bá để các doanh nghiệp lữ hành thiết kế, đưa vào các hành trình tour phù hợp.
Tuy nhiên, điều mà những người làm công tác bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch ở một số địa phương còn trăn trở là việc phát huy giá trị của một số di tích lịch sử gắn với phát triển loại hình du lịch về nguồn, du lịch khám phá, tìm hiểu nét văn hóa bản địa, hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, tầm vóc, giá trị của di tích.
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre Trương Quốc Phong chia sẻ để khai thác, phát huy hiệu quả hơn giá trị của các di tích lịch sử trong phát triển du lịch, thời gian tới tỉnh Bến Tre tiếp tục quan tâm trùng tu nâng cấp, chỉnh trang khuôn viên các khu di tích để mỗi di tích thực sự là một điểm đến lưu giữ được những nét truyền thống và có cảnh quan xanh-sạch-đẹp, thu hút du khách nhiều hơn.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương tìm giải pháp, có phương án đầu tư các dịch vụ bổ trợ nhằm làm phong phú hơn các hoạt động trải nghiệm của du khách khi đến tham quan một di tích lịch sử gắn với tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc ở địa phương như: Xây dựng mô hình biểu diễn nghệ thuật dân gian, tổ chức một số hoạt động tái hiện, minh họa sự kiện và nhân vật lịch sử, giới thiệu sản phẩm lưu niệm...
Liên quan đến các hoạt động kết nối để phát triển du lịch, trong đó có du lịch về nguồn, tham quan các di tích lịch sử, theo thông tin từ Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Sở và một số doanh nghiệp lữ hành uy tín đang xây dựng, hoàn thiện một số tuyến du lịch mới với những tên gọi như tuyến Những nẻo đường phù sa, xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh tới Long An, qua Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, về Sóc Trăng, Bạc Liêu và đến đất mũi Cà Mau; tuyến Non nước hữu tình từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Tiền Giang, Bến Tre, đến Trà Vinh, Cần Thơ, Bạc Liêu và kết thúc ở Cà Mau; tuyến Sắc màu vùng biên lại được thiết kế đi qua các địa phương có đường bên giới như Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang.
Mỗi tuyến du lịch này đều có điểm nhấn là di tích lịch sử kết hợp với tham quan, trải nghiệm một số sản phẩm du lịch sinh thái./.