Các địa phương triển khai các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch

Trước diễn biến dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp, các tỉnh Hà Nam, Thái Bình và Bạc Liêu đã triển khai các biện pháp để ngăn lây lan dịch bệnh.
Các địa phương triển khai các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch ảnh 1Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Ngày 19/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với 6 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh để bàn các giải pháp phòng, chống dịch.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài, các địa phương, sở, ban, ngành cần có giải pháp phù hợp cho công tác phòng chống dịch, thực hiện "mục tiêu kép," vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế vừa chống dịch hiệu quả trên cơ sở thực hiện tốt nguyên tắc cơ bản "Ngăn chặn-Phát hiện-Cách ly-Khoanh vùng và Dập dịch" theo phương châm "4 tại chỗ."

Các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, chủ động đánh giá nguy cơ, sẵn sàng phương án, kịch bản tốt nhất cho những tình huống xấu nhất; tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, Tổ phòng, chống COVID cộng đồng trong việc kiểm soát người đi từ vùng dịch về địa phương; quan tâm đến nhu cầu, đời sống của nhân dân.

Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhanh nhất việc chi trả hỗ trợ cho người dân theo Nghị quyết 68. Đặc biệt quan tâm phòng, chống dịch trong doanh nghiệp, trong khu, cụm công nghiệp.

Ngành Y tế đảm bảo vật tư, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, hóa chất theo phương châm "4 tại chỗ," sẵn sàng phương án về tổ chức cách ly, điều trị trong tình huống có thêm nhiều người mắc.

[Thủ tướng: Tập trung kiểm soát dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam]

Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2021 có 50% dân số được tiêm chủng, đến hết tháng 4/2022 có 70% dân số được tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng, ngành Y tế chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, vật tư, tổ chức đào tạo, tập huấn cho 100% bác sỹ, điều dưỡng và kỹ thuật viên trong ngành.

Theo ông Nguyễn Trọng Khải - Giám đốc Sở Y tế, từ ngày 27/4 đến nay, trên địa bàn ghi nhận 60 ca mắc COVID-19, trong đó 50 ca đã khỏi bệnh, 10 ca đang điều trị.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên phạm vi cả nước đặc biệt là các tỉnh phía Nam, việc di chuyển của công dân từ vùng có dịch về Hà Nam, tỉnh đã triển khai hoạt động của 4.000 Tổ phòng, chống COVID cộng đồng; lập chốt kiểm soát liên ngành tại cầu Yên Lệnh; đẩy mạnh công tác hậu cần, vận động ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19, triển khai tiêm phòng cho gần 15.000 người.

Cùng ngày, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức họp trực tuyến triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đã chỉ đạo từ 12 giờ ngày ngày 19/7, tỉnh kích hoạt hoạt động trở lại hai chốt kiểm dịch COVID-19 liên ngành tại cầu Hiệp (thuộc huyện Quỳnh Phụ, nơi giáp ranh với tỉnh Hải Dương) và cầu La Tiến (thuộc huyện Hưng Hà, nơi giáp ranh với tỉnh Hưng Yên).

Như vậy đến nay, cùng với ba chốt kiểm dịch COVID-19 liên ngành tại cầu Tân Đệ (thuộc huyện Vũ Thư, giáp ranh với tỉnh Nam Định), tại cầu Triều Dương và tại cầu Thái Hà (thuộc huyện Hưng Hà, giáp ranh với hai tỉnh Hà Nam và Hưng Yên), tỉnh Thái Bình đã kích hoạt hoạt động trở lại 5 chốt kiểm dịch COVID-19 liên ngành nhằm kiểm soát nguồn dịch từ bên ngoài xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

Các địa phương triển khai các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch ảnh 2Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình yêu cầu các tổ công tác liên ngành tại các chốt kiểm dịch kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào tỉnh. Từ 12 giờ ngày 19/7, Thái Bình yêu cầu tất cả các trường hợp vào tỉnh đều phải có kết quả xét nghiệm PCR hoặc test nhanh SARS-CoV-2 âm tính trong thời hạn 3 ngày.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình Phạm Quang Hòa cho biết, lũy kế đến ngày 18/7, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 43 trường hợp mắc COVID-19...

Hiện nay Thái Bình vẫn đang kiểm soát tốt các ổ dịch tại cộng đồng, quản lý chặt chẽ các trường hợp nguy cơ từ tỉnh ngoài về, không có các trường hợp lây nhiễm thứ phát. Tuy nhiên, nguy cơ dịch xâm nhập vào tỉnh Thái Bình đang rất cao...

Tại Bạc Liêu, thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều yêu cầu các đơn vị theo chức năng của ngành, đơn vị mình tập trung triển khai nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả, an toàn.

Cụ thể, Sở Y tế sẵn sàng các điều kiện tại cơ sở cách ly và cơ sở điều trị, tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện sớm, không để lây lan dịch bệnh...

Công an tỉnh hỗ trợ các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch, kịp thời xử lý nhanh, quyết liệt, triệt để đối với trường hợp có dấu hiệu cấu thành tội phạm...

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sắp xếp hoạt động khu cách ly tập trung cấp tỉnh và hỗ trợ các huyện trong quản lý, vận hành khu cách ly tập trung cấp huyện; tham gia tốt Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19; hỗ trợ lực lượng Công an trong việc duy trì hiệu quả hoạt động của các chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch; hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Ngành chức năng thường xuyên cập nhật các quy định chuyên ngành của Bộ Giao thông Vận tải để kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động giao thông vận tải; đảm bảo công tác vận tải lưu thông hàng hóa; hỗ trợ vận chuyển trang thiết bị cần thiết khi có yêu cầu; hướng dẫn việc đưa đón công nhân, người lao động tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp theo đúng khuyến cáo của ngành Y tế.

Các doanh nghiệp, cơ quan có liên quan và các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn hàng, tổ chức kênh phân phối hàng hóa thiết yếu bảo đảm an toàn, không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa (nghiên cứu áp dụng các kênh phân phối lưu động, giao hàng tận nơi...) đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Đặc biệt đảm bảo cung cấp điện, nước xuyên suốt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ các dự án, công trường, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, cung cấp dịch vụ thiết yếu trên địa bàn và yêu cầu đóng cửa nếu không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Các địa phương chuẩn bị điều kiện để thực hiện nhanh nhất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ngay sau khi kết thúc đợt giãn cách xã hội này.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu ghi nhận 64 ca mắc COVID-19, trong đó 12 trường hợp lây nhiễm trong nước. Số người đang cách ly tập trung trên là 1.700 người và hơn 4.800 người cách ly tại nhà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục