Các động thái hướng tới đàm phán Palestine-Israel

Đặc phái viên Mỹ và Tổng thống Palestine trong cuộc hội đàm ngày 10/8 chưa đạt được nhất trí nối lại đàm phán Israel-Palestine.
Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông, ông George Mitchell, và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong cuộc hội đàm tại Ramallah ngày 10/8 chưa đạt được nhất trí về việc nối lại đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và Palestine đều tỏ ra lạc quan về triển vọng có một giải pháp cho tình thế bế tắc hiện nay.

Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erakat cho biết cuộc hội đàm giữa Tổng thống Abbas và Đặc phái viên Mỹ rất hiệu quả, các bên đang tiếp tục nỗ lực để đi tới "một phương thức giúp bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc, với một khung thời gian và một chương trình nghị sự cụ thể".

Các nguồn tin Palestine cho biết Tổng thống Abbas có thể đưa ra quyết định "trong vòng vài ngày" có bắt đầu đàm phán trực tiếp với Israel hay không, với điều kiện ông nhận được sự ủng hộ từ nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc và Nga) về việc này.

Tổng thống Palestine muốn trước hết phải thỏa thuận được về lịch trình và chủ đề thương lượng, trong đó có việc Israel chấp nhận một nhà nước Palestine bao gồm khu Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza; ông Abbas cũng muốn Israel đình chỉ xây dựng các khu định cư ở các vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng từ năm 1967 này.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng cần bắt đầu tiến hành đàm phán trực tiếp ngay lập tức, không có bất cứ điều kiện gì, tuy nhiên ông không đưa ra bất kỳ sự bảo đảm nào mà chỉ chấp nhận hạn chế một phần hoạt động xây dựng các khu định cư.

Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông P.J. Crowley cho biết cuộc hội đàm giữa Đặc phái viên Mitchell và Tổng thống Palestine diễn ra "nghiêm túc và tích cực," qua đó thúc đẩy các bên tiến gần hơn tới khả năng chấp nhận đàm phán trực tiếp.

Theo một trợ lý của Tổng thống Abbas, trong cuộc hội đàm, hai bên dành nhiều thời gian thảo luận về một phương thức cụ thể nhằm giải tỏa tình trạng bế tắc, theo đó Israel và Palestine sẽ chấp nhận tuyên bố ngày 19/3 của Nhóm Bộ Tứ, coi đó là cơ sở cho các cuộc thương lượng.

Trong tuyên bố này, nhóm Bộ Tứ yêu cầu Israel và Palestine đạt được thỏa thuận hòa bình trong vòng 2 năm và chấm dứt sự chiếm đóng từ năm 1967.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Crowly cho biết Washington đang tham vấn nhóm Bộ Tứ về cách thức hỗ trợ nối lại đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel. Có khả năng hôm nay (11/8) nhóm Bộ Tứ sẽ ra một tuyên bố về vấn đề này.

Trong khi đó, ông Mitchell cho biết ông sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy giải quyết các trở ngại. Ông dự kiến gặp Thủ tướng Israel Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barack trong ngày 11/8.

Đây là chuyến công du Trung Đông đầu tiên của ông Mitchell kể từ sau khi Liên đoàn Arập (AL) tháng Bảy vừa qua bày tỏ ủng hộ đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel.

Các quan chức Mỹ cho biết ông Mttchell sẽ thúc đẩy để đàm phán trực tiếp có thể được bắt đầu từ ngày 1/9 tới, sau quá trình đàm phán gián tiếp đã diễn ra từ 3 tháng qua dưới sự trung gian của ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục