Các hãng hàng không kiến nghị giảm thuế nhập khẩu xăng dầu

Các khoản thuế nhập khẩu xăng dầu hàng không, thuế bảo vệ môi trường nếu không được giảm và đưa vào phụ thu giá vé hành khách sẽ thực sự là gánh nặng tài chính đối với hãng hàng không.
Các hãng hàng không kiến nghị giảm thuế nhập khẩu xăng dầu ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietjet Air)

Cục Hàng không Việt Nam vừa có kiến nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hàng không và cho phép các hãng hàng không thu phụ thu giá vé khoản thuế bảo vệ môi trường.

Giải thích về kiến nghị này, Cục Hàng không Việt Nam đưa ra lý do, theo báo cáo của các hãng hàng không, giá nhiên liệu bay (Jet A1) đã giảm. Tuy nhiên, mức thuế nhập khẩu lại tăng lên 25%. Đây thực sự là một gánh nặng tài chính đối với hãng hàng không.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính hiện nay có chủ trương tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 lên 3.000 đồng/lít. Với mức tăng này, chi phí khai thác của các hãng hàng không sẽ bị tăng lên nhiều.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện hãng hàng không Vietjet Air cho biết, thuế, phí xăng dầu nói chung và tăng thuế môi trường nói riêng đang gây khó khăn cho các hãng hàng không. Điều này đồng nghĩa với việc tăng chi phí đi lại cho hành khách khi lựa chọn bằng đường hàng không.

Chứng minh thực tế này, đại diện Vietjet Air đưa ra con số, vào cuối 2014, khi giá dầu giảm xuống 62 USD/thùng thì thuế nhập khẩu lập tức tăng lên 25%. Đến tháng 3/2015 vừa qua, giá nhiên liệu tăng lên 75 USD nhưng thuế không được điều chỉnh.

“Chi phí xăng dầu của Vietjet chiếm tới 57% giá thành. Mọi thay đổi về thuế là ảnh hưởng ngay tới giá thành vé cho hành khách. Ở các nước thì đều có chính sách thuế ưu đãi với xăng dầu hàng không. Chúng tôi nạp xăng ở nước ngoài giá thấp hơn hẳn ở Việt Nam. Và vô hình chung người dân các nước thu nhập thì cao hơn người dân Việt Nam nhưng không bị ‘gánh’ chi phí thuế xăng dầu vào giá vé như hành khách nội địa nước ta,” đại diện Vietjet Air phân tích.

Đặc biệt, vị đại diện này cũng nhấn mạnh, việc kinh doanh càng khó khăn hơn khi thuế môi trường với xăng dầu tăng tới 300% (từ 1.000 đồng mỗi lít hiện nay lên 3.000 đồng kể từ ngày 1/5 tới) ảnh hưởng của việc tăng phí môi trường đối với hãng dự kiến là 350 đến 400 tỷ đồng.

Đại diện hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cũng cho hay, Bộ Tài chính đã có chủ trương tăng thuế môi trường từ 1.000 lên 3.000đồng/lít. Mức tăng này làm ảnh hưởng đến chi phí của Jetstar dự kiến trong năm 2015 là gần 150 tỷ đồng.

Để giảm bớt khó khăn và hỗ trợ cho hoạt động của các hãng hàng không, đại diện các hãng hàng không đều kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hàng không xuống còn 7% và cho phép các hãng đưa thuế môi trường vào cơ cấu giá vé để giảm thiểu rủi ro và khó khăn, tăng sức cạnh tranh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục