Các nền tảng thương mại điện tử đẩy mạnh khai thác thị trường Việt Nam

Tại thị trường Việt Nam, TikTok đã vượt qua Lazada để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai, chỉ sau nền tảng thương mại điện tử Shopee của Singapore.

Phân loại hoàng hóa của hãng thương mại điện tử Lazada. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Phân loại hoàng hóa của hãng thương mại điện tử Lazada. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Việt Nam là một trong những thị trường mua sắm giải trí tiềm năng và được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh nhất Đông Nam Á.

Tờ Nikkei Asia mới đây đăng tải bài viết cho biết sự lạc quan của TikTok - một nền tảng của ByteDance (Trung Quốc) - với thị trường Việt Nam không ngừng tăng lên. TikTok Việt Nam cho biết số lượng người bán cũng như doanh thu trung bình trên ứng dụng TikTok tại Việt Nam đã tăng gấp ba lần vào năm ngoái.

Bài báo dẫn lời ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok tại Việt Nam, cho biết cách đây hai năm, trên các sàn thương mại điện tử Việt Nam có rất nhiều hàng nhái giá rẻ, người dân trong nước không tin tưởng vào các nền tảng thương mại điện tử. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người lại thích mua sắm trực tuyến.

Tại thị trường Việt Nam, TikTok đã vượt qua Lazada, thương hiệu thương mại điện tử Đông Nam Á được Alibaba mua lại vào năm 2016, để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai, chỉ sau nền tảng thương mại điện tử Shopee của Singapore.

Công ty phân tích thị trường Metric cho biết các nhà bán hàng trên TikTok đã kiếm được khoảng 1,3 tỷ USD trong sáu tháng qua.

Còn theo tờ Financial Times của Anh, giới phân tích ước tính doanh thu hàng năm của TikTok ở Đông Nam Á vượt 12 tỷ USD.

Theo thống kê của Cơ quan nghiên cứu thị trường Data Reportal, tại thị trường Việt Nam với dân số hơn 100 triệu người, cách đây một năm TikTok có khoảng 50 triệu người dùng. Đến đầu năm 2024, còn số này đã tăng lên 67 triệu người, trong khi đó số người dùng của Facebook là 73 triệu và của YouTube là 63 triệu.

Báo cáo mới nhất của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, nếu năm 2018, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2023, đã đạt 20,5 tỷ USD, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C chiếm khoảng 7,8- 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, có thể đạt 650.000 tỷ đồng vào năm 2024.

Tính đến tháng 12/2023 theo Statista, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric, có 2,2 tỷ sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong ba năm trở lại đây.

Còn báo cáo do Google, Temasek, Bain & Company cùng công bố cho thấy Việt Nam nằm trong Top quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp (2022 và 2023). Dự kiến doanh thu của 5 nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam sẽ đạt 310.000 tỷ đồng vào năm 2024, tăng 35% so với năm 2023.

thuong mai dien tu.jpg
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo "Mua sắm giải trí - cơ hội nghìn tỷ USD tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương," Việt Nam là một trong những thị trường mua sắm giải trí tiềm năng nhất và được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh nhất Đông Nam Á.

Ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Lazada Việt Nam, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất Đông Nam Á. Mua sắm thương mại điện tử đã trở thành thói quen của người tiêu dùng Việt Nam. Năm 2022, có 57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến.

Ông Đỗ Hữu Hưng, Giám đốc điều hành nền tảng tiếp thị Access Trade, cũng cho biết các nền tảng thương mại điện tử có cơ hội phát triển rất lớn tại Việt Nam nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo an toàn thông tin cá nhân. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng hậu cần thương mại điện tử chưa theo kịp nhu cầu thị trường và niềm tin của người tiêu dùng vào mua sắm trực tuyến còn thấp.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục