Các ngân hàng Thụy Sĩ chuyển hướng sang châu Á-Thái Bình Dương

Sau bê bối về thuế, nhiều ngân hàng Thụy Sĩ đã chuyển hướng hoạt động sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương để tìm kiếm khách hàng mới.
Các ngân hàng Thụy Sĩ chuyển hướng sang châu Á-Thái Bình Dương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Từng được coi là “thiên đường tài chính” thu hút nhiều tiền và của cải nhờ hệ thống ngân hàng giữ bí mật tuyệt đối thông tin tài khoản của các khách hàng, nhưng giờ đây các ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ không thể dựa vào danh tiếng cũ để lôi kéo các khách hàng giàu có, nhất là khi Mỹ phát động chiến dịch điều tra hành vi trốn thuế của những công dân gửi tiền ở nước ngoài.

Ông Zeno Staub, Giám đốc điều hành ngân hàng Vontobel ở Thụy Sĩ, cho biết để đối phó với tình trạng này, 140 ngân hàng tư nhân tại Thụy Sĩ đã chuyển hướng từ "nhập khẩu khách hàng" sang "xuất khẩu dịch vụ" để tìm kiếm khách hàng mới.

Theo đó, thị trường mà họ nhắm đến là châu Á, nơi đang sản sinh ra nhiều triệu phú và tỷ phú nhất trên thế giới.

Đâu rồi thời hoàng kim?

Khi không còn “bảo bối” về bảo mật thông tin, các ngân hàng cần có quy mô và nghiệp vụ chuyên môn thích hợp để có thể cạnh tranh xuyên biên giới. Do đó, giới chuyên gia dự báo rằng một khi Mỹ tiến hành xong xuôi việc điều tra liên quan đến hàng chục ngân hàng tại Thụy Sĩ, sẽ có một làn sóng các ngân hàng phải đóng cửa, hoặc sáp nhập hay thâu tóm lẫn nhau, khiến cho lĩnh vực này bị thu hẹp đến 30%.

Gần đây có những lời đồn đoán rằng Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ, sẽ tiếp quản Julius Baer, công ty quản lý tài sản niêm yết lớn thứ ba nước này, trong bối cảnh cả hai ngân hàng đều dính líu đến các cáo buộc về thuế từ phía Mỹ.

Trong khi Credit Suisse gần đây đã đồng ý nộp 2,6 tỷ USD để giải quyết vụ trốn thuế với giới chức Mỹ, thì Julius Baer cũng đang bị Mỹ điều tra hành vi “tiếp tay” cho khách hàng trốn thuế.

Tuy nhiên, các tin đồn về việc Credit Suisse thâu tóm Julius Baer cho thấy sự thay đổi mạnh của hệ thống ngân hàng tư nhân nước này. Lợi nhuận ngân hàng đang suy yếu bởi khách hàng rút tiền hàng loạt và chuyển hướng mua cổ phần có rủi ro thấp.

Theo ước tính của hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), từ năm 2008-2014, có tới 350 tỷ franc Thụy Sĩ (tương đương 380 tỷ USD) đã được giới nhà giàu rút khỏi các ngân hàng tư nhân tại Geneva và Zurich của nước này.

Kết quả là trong năm 2013, số lượng các ngân hàng làm ăn thua lỗ tại Thụy Sĩ lên tới 34 ngân hàng, tăng gần 50% so với một năm trước đây. Ngoài ra, lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu của các ngân hàng tư nhân, loại trừ một số ngân hàng lớn như UBS và Credit Suisse, cũng giảm hơn 75% từ năm 2006 đến năm 2013, theo một nghiên cứu của hãng kiểm toán KPMG dựa trên kết quả theo dõi 94 ngân hàng tư nhân tại Thụy Sĩ.

Nỗ lực tái cơ cấu và cuộc đổ bộ vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Hiện nay, việc phải đối mặt với các án phạt liên quan đến các vấn đề về trốn thuế cũng như tâm trạng lo lắng của khách hàng về mức lãi suất thấp kỷ lục, đã khiến các ngân hàng Thụy Sĩ phải “chuyển hướng từ tích trữ tài sản sang tư vấn và quản lý đầu tư," ông Anthony Cerquone, Giám đốc nhân sự toàn cầu tại bộ phận quản lý tài sản của UBS cho biết.

Tại UBS, các chuyên gia tư vấn khách hàng phải hoàn thành một khóa học quản lý tài sản để nâng cao kỹ năng tư vấn cũng như nhận thức về tuân thủ luật pháp. Tại ngân hàng Lombard Odier, có trụ sở tại Geneva, chương trình đào tạo nội bộ phổ biến nhất là tương tác với khách hàng, rủi ro và tuân thủ các quy định chung.

Tuần trước, Lombard Odier và đối thủ Pictet & Ciet là hai ngân hàng Thụy Sĩ lần đầu tiên công bố lợi nhuận kinh doanh, phá vỡ quy tắc bảo mật kéo dài hơn hai thế kỷ tại quốc gia này.

Mặc dù câu chuyện các ngân hàng Thụy Sĩ “tiếp tay” cho khách hàng trốn thuế đã làm tổn hại đến danh tiếng của họ ở Bắc Mỹ, nhưng đối với các tầng lớp giàu có của Trung Quốc, họ vẫn có sức hút.

Sau khi bức màn bí mật của ngân hàng Thụy Sĩ đã được vén lên qua việc UBS đồng ý nộp phạt 780 triệu USD cho giới chức Mỹ về tội “tiếp tay” cho khách hàng trốn thuế và đồng thời đồng ý chuyển thông tin về các khách hàng Mỹ vi phạm các quy định về thuế (điều chưa từng có trong tiền lệ lịch sử ngành ngân hàng Thụy Sĩ), các ngân hàng lớn của nước này đã dốc nguồn lực vào thị trường châu Á.

Cụ thể, kể từ năm 2009, ngân hàng tư nhân lớn nhất thế giới UBS đã cắt giảm 11% số lượng nhân viên tại Thụy Sĩ, trong khi tăng 7,4% nhân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tương tự, Credit Suisse cũng cắt giảm 15% số lượng giám đốc quan hệ khách hàng tại Thụy Sĩ và tăng khoảng 30% tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngân hàng Bordier & Cie, hiện có khoảng 15% chủ tài khoản đến từ châu Á sau gần hai năm mở rộng sang thị trường này, thực hiện cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư cho khách hàng, từ lợi suất trái phiếu hay giá bất động sản Tokyo tới giá của những tác phẩm nghệ thuật từ cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, sau đó thu phí tư vấn và phí giao dịch dịch vụ.

Ông Ang Eng Hieang, Giám đốc điều hành ngân hàng Bordier & Cie, cho biết: "Chúng tôi muốn trở thành một nhà trung gian đáng tin cậy với sự minh bạch trong các sản phẩm được cung cấp cũng như những lợi nhuận nhận được.”

"Đi đêm lắm có ngày gặp ma"

Vận đen có vẻ như vẫn chưa chịu buông tha các Ngân hàng Thụy Sĩ khi mà giờ đây, không chỉ có Mỹ mà cả Liên minh châu Âu (EU) cùng một số quốc gia khác cũng đang mở rộng điều tra hành vi gian lận thuế và cất giấu tiền của các công dân ở nước ngoài.

Mới đây, tòa án phúc thẩm tại Paris (Pháp) đã yêu cầu UBS nộp khoản tiền thế chấp trị giá 1,1 tỷ euro (1,5 tỷ USD) với cáo buộc giúp khách hàng Pháp che giấu tài sản.

Khoản tiền 1,5 tỷ USD này, tương đương với 2,4% lợi nhuận sau thuế của UBS trong năm 2013 và 2,8% vốn chủ sở hữu của ngân hàng này, sẽ được thanh toán như một hình phạt hình sự với cáo buộc liên quan đến hoạt động rửa tiền.

Ngoài ra, UBS và Credit Sussie cũng là đối tượng thuộc phạm vi điều tra của Cơ quan thuế Australia (ATO) liên quan đến những khoản thu nhập “mờ ám” không được khai báo của người dân nước này nhằm trốn hàng tỷ AUD tiền thuế quốc gia.

Chưa dừng lại ở đó, theo nguồn tin của hãng Reuters, các nhà chức trách từ khắp nơi trên thế giới, đang tiến hành điều tra về việc các đại gia ngân hàng cấu kết với nhau nhằm thao túng tỷ giá hối đoái trong giao dịch ngoại tệ và UBS đang phải đối mặt với một án phạt khác từ giới chức nước Anh liên quan đến cáo buộc thao túng thị trường ngoại hối.

Liên quan đến vụ bê bối này, ngoài UBS còn có năm ngân hàng khác, bao gồm Ngân hàng Barclays, HSBC, Ngân hàng Hoàng gia Scotland, JP Morgan và Citigroup, mỗi ngân hàng có thể bị kết án phạt lên tới hàng trăm triệu bảng Anh.

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ cho biết mặc dù đã tăng trích lập dự phòng về tiền phạt trong tương lai lên đến 1,98 tỷ frac (tương đương 2,08 tỷ USD) nhưng số tiền này nhiều khả năng vẫn không đủ để chi trả cho các khoản phạt và tiền phí tổn.

Mới đây, Cơ quan quản lý thuế Thụy Sĩ cho biết gần 470 triệu bảng Anh đã được trả lại cho Vương quốc Anh và gần 740 triệu euro đã trả lại cho Áo theo thỏa thuận năm 2013 về truy thu tiền thuế đối với tài sản của công dân hai nước trên gửi vào các tài khoản bí mật tại các ngân hàng Thụy Sĩ.

Hiện, tổng số tiền phạt của các nước dành cho hai ngân hàng Credit Suisse và UBS của Thụy Sĩ vẫn còn chưa rõ, nhưng có một điều chắc chắn rằng con số này sẽ không chỉ dừng lại ở mức 2,6 tỷ và 780 triệu USD mà hai ngân hàng này đã nộp cho giới chức Mỹ.

Theo ông Staub thuộc ngân hàng Vontobel, sau khi thu được những nguồn lợi khổng lồ, các ngân hàng Thụy Sĩ sẽ cần thêm nhiều thời gian để chấp nhận sự thật là thương hiệu “bức màn bí mật” không còn nữa và quen dần với môi trường kinh doanh mở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục