Các nhà đầu tư yêu cầu chủ sở hữu Zara phải minh bạch chuỗi cung ứng

Hàng năm, Inditex - chủ sở hữu Zara - công bố danh sách chi tiết số lượng nhà cung cấp của họ ở 12 quốc gia chính, nhưng giữ kín tên các nhà sản xuất cụ thể.

Một cửa hàng Zara tại Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Một cửa hàng Zara tại Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Các nhà đầu tư muốn chủ sở hữu Zara - Inditex theo chân các đối thủ H&M và Primark trong việc công khai danh sách đầy đủ các nhà cung cấp, để họ có thể đánh giá rủi ro chuỗi cung ứng của công ty này tốt hơn.

Năm nhà đầu tư đưa ra yêu cầu trên hiện đang nắm giữ tổng số cổ phần trị giá khoảng 2 tỷ USD trong công ty - vốn có mức định giá hiện tại khoảng 140 tỷ USD. Không có nhà đầu tư nào đang cân nhắc việc thoái vốn khỏi Inditex.

Các thương hiệu và nhà bán lẻ thời trang, bao gồm Adidas, H&M, Hugo Boss, M&S, Nike, Primark và Puma đều đã công bố danh sách nhà cung cấp chi tiết, bao gồm tên và địa chỉ nhà máy.

Tuy nhiên, không giống như các nhà bán lẻ lớn khác, Inditex không chia sẻ tên các nhà cung cấp của mình - một quan điểm khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Inditex, nhà bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới, là chủ sở hữu của các thương hiệu Zara, Bershka, Pull&Bear, Massimo Dutti, Oysho và Stradivarius.

Hàng năm, công ty này công bố danh sách chi tiết số lượng nhà cung cấp của họ ở 12 quốc gia chính, nhưng giữ kín tên các nhà sản xuất cụ thể.

Điều này đi ngược lại xu hướng chung của các nhà bán lẻ quần áo lớn khác như Adidas, H&M và Primark, những công ty luôn chia sẻ các thông tin này.

MN, công ty quản lý tài sản của Hà Lan, một cổ đông của Inditex, nói với Reuters: “Khi hợp tác với Inditex, một trong những điều chúng tôi hỏi là liệu họ có thể tiết lộ danh sách các nhà cung cấp và vị trí địa lý hay không.”

"Mặc dù Inditex đảm bảo với chúng tôi rằng họ có sẵn dữ liệu này, nhưng cho đến nay Inditex vẫn chưa sẵn sàng tiết lộ thông tin này, không giống như một số công ty cùng ngành đã công bố danh sách nhà cung cấp một cách rộng rãi."

Các cổ đông có thể quản lý khoản đầu tư của mình hiệu quả hơn nếu họ có thể giám sát độ tin cậy của từng nhà cung cấp cụ thể.

Các nhà đầu tư và cơ quan quản lý cũng khuyến khích các công ty minh bạch hơn về hoạt động sản xuất của mình nhằm ngăn chặn những hành vi phi đạo đức cũng như đảm bảo điều kiện công bằng cho người lao động.

KnowTheChain, một nhóm điều tra các hoạt động lao động của công ty, đã xếp Inditex ở vị trí thứ 15 trên 65 quốc gia được xếp hạng trong đánh giá năm 2023.

Tuy nhiên, Inditex vẫn đạt được điểm cao về “cam kết và quản trị,” thứ hạng đánh giá sự rõ ràng của công ty về trách nhiệm nội bộ trong việc duy trì các tiêu chuẩn về lao động cưỡng bức.

Đáp lại những yêu cầu từ các doanh nghiệp Euronews, Inditex từ chối bình luận về việc liệu họ có công khai danh sách nhà cung cấp của mình hay không.

Có một lời giải thích cho sự việc này, đó là có thể Inditex không chia sẻ thông tin của mình bởi nếu làm vậy, công ty có thể sẽ phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn.

Số liệu được Inditex công bố từ năm 2019 cho thấy công ty này đã cắt giảm các nhà cung cấp ở Trung Quốc và tăng cường ở Bangladesh và Morocc. Nhưng công ty lại không cung cấp thông tin chi tiết về số lượng sản phẩm họ mua từ mỗi nhà cung cấp ở các nước đó.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục