Các nhà khoa học cảnh báo về tình trạng phá rừng tại Brazil

Theo nhà địa lý học Manuel Ferreira tại Đại học liên bang Goias, mỗi năm Brazil khai hoang hàng nghìn km2, một tốc độ "ít nơi nào khác trên Trái Đất chứng kiến."
Các nhà khoa học cảnh báo về tình trạng phá rừng tại Brazil ảnh 1Một khoảng rừng Amazon bị thiêu rụi ở gần Porto Velho, bang Rondonia, Brazil, ngày 24/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mức độ phá rừng trong năm 2021 tại khu vực Cerrado của Brazil tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2015, khiến các nhà khoa học ngày 3/1 lên tiếng cảnh báo về tình trạng của khu vực đa dạng sinh học nhất thế giới này - được xem là một bể chứa carbon lớn giúp ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Theo Cơ quan nghiên cứu không gian quốc gia Inpe, việc phá rừng và phát quang những thực vật bản địa tại Cerrado trong 12 tháng tính đến hết tháng 7/2021 tăng 8% lên 8.531 km2, gấp 10 lần diện tích đất của thành phố New York (Mỹ). 

Nhà sinh thái học Mercedes Bustamante tại Đại học Brasilia cảnh báo điều này "rất đáng lo ngại."

[Brazil: Tỷ lệ rừng Amazon bị tàn phá cao nhất trong 15 năm]

Khu vực Cerrado trải dải qua một số bang của Brazil và là một trong những thảo nguyên lớn nhất thế giới, thường được gọi là một "khu rừng lộn ngược" vì rễ cây ăn sâu xuống đất để sống sót qua mùa khô hạn và cháy rừng.

Tình trạng phá cây và đồng cỏ tại Cerrado là một nguồn phát thải khí nhà kính lớn của Brazil.

Các nhà khoa học nhấn mạnh lo ngại về mức phá rừng gia tăng, theo đó khoảng một nửa Cerrado đã bị phá hủy kể từ thập niên 1970, chủ yếu để lấy diện tích trồng trọt và chăn nuôi.

Theo nhà địa lý học Manuel Ferreira tại Đại học liên bang Goias, mỗi năm Brazil khai hoang hàng nghìn km2, một tốc độ "ít nơi nào khác trên Trái Đất chứng kiến." 

Ông Ferreira nhấn mạnh các loại động, thực vật mới thường xuyên được phát hiện ở Cerrado và nhiều loài có thể bị tiêu diệt trước khi có thể được nghiên cứu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục