Ngày 12/10, các nhà bảo vệ môi trường của Áo thuộc tổ chức Allrise đã đệ đơn kiện Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và chính quyền của ông lên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) với cáo buộc các chính sách phát triển kinh tế của Brazil đã hủy hoại rừng Amazon, gián tiếp làm trầm trọng thêm ttình trạng biến đổi khí hậu.
Trong đơn kiện của mình, Allrise nêu rõ việc đốt rừng Amazon và mở rộng quy mô canh tác nông nghiệp trong rừng Amazon làm gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lên mức cao hơn cả mức khí thải hằng năm của Italy hoặc Tây Ban Nha.
Nạn phá rừng tại đây cũng thải lượng khí CO2 nhiều hơn mức các phần còn lại của rừng Amazon có thể hấp thụ.
Bên nguyên yêu cầu ICC tiến hành các thủ tục pháp lý đối với Tổng thống Bolsonaro và chính quyền của ông vì các hành động "liên quan trực tiếp tới các tác động tiêu cực đối với tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn thế giới."
Allrise cho rằng chính quyền Brazil đã thực thi nhiều chính sách, áp dụng nhiều biện pháp nhằm cản trở công tác bảo vệ rừng mưa nhiệt đới Amazon.
[Số vụ cháy tại rừng nhiệt đới Amazon tăng kỷ lục trong tháng 6]
Theo đơn kiện, trong những năm qua, mỗi năm có khoảng 4.000 km2 (tương đương 400.000 ha) diện tích rừng Amazon ở Brazil bị phá.
Rừng Amazon là một khu rừng lá rộng đất ẩm ở lưu vực Amazon của Nam Mỹ có diện tích khoảng 5,5 triệu km2, trải dài qua lãnh thổ của 9 nước gồm Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Surinam cùng Guyana thuộc Pháp. Các bang hoặc tỉnh của 4 quốc gia được đặt tên Amazonas theo tên khu rừng này.
Rừng mưa Amazon chiếm hơn 50% rừng mưa còn lại của Trái Đất và bao gồm một dải rừng mưa nhiệt đới lớn nhất và phong phú nhất về loài cây, động vật trên thế giới.
Công tác bảo vệ rừng Amazon được coi là rất quan trọng trong ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Khoảng 60% diện tích rừng Amazon nằm ở Brazil, nơi tỷ lệ chặt phá rừng trong năm 2020 đã tăng ở mức cao nhất trong 12 năm.
Nạn khai thác gỗ bất hợp pháp và số vụ cháy rừng tại Brazil đã tăng vọt kể từ khi Tổng thống Bolsonaro nhậm chức vào năm 2019.
Các nhóm bảo vệ môi trường cho rằng vấn nạn phá rừng gia tăng là do chính phủ của ông Bolsonaro phát triển ngành khai khoáng và nông nghiệp tại các khu vực rừng rậm, cũng như cắt giảm tài trợ cho các chương trình bảo vệ môi trường./.