Các nhà lãnh đạo Đức nhất trí kéo dài lệnh phong tỏa đến giữa tháng Tư

Sau cuộc họp trực tuyến diễn ra căng thẳng, kéo dài, Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang đã nhất trí kéo dài các biện pháp phong tỏa hiện nay cho tới ngày 18/4 tới.
Các nhà lãnh đạo Đức nhất trí kéo dài lệnh phong tỏa đến giữa tháng Tư ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Frankfurt, Đức ngày 18/3/2021. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các nguồn thạo tin cho biết tại hội nghị trực tuyến giữa chính quyền liên bang và các bang ngày 22/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang đã nhất trí kéo dài các biện pháp phong tỏa hiện nay cho tới ngày 18/4 tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, cuộc họp trực tuyến diễn ra căng thẳng, kéo dài và đã phải tạm ngừng để chuyển sang quy mô họp nhỏ hơn.

Tuy nhiên, có hai điểm mà hội nghị đã đạt được là kéo dài lệnh phong tỏa tới giữa tháng Tư và giữ nguyên quy định về quy mô được gặp gỡ trong dịp lễ Phục sinh từ ngày 2/4 tới (cho phép 2 gia đình gặp gỡ với tối đa 5 người lớn).

Theo các nguồn thạo tin, cuộc họp đã bị ngừng lại sau khi Thủ tướng Merkel bác đề xuất của thủ hiến 5 bang (gồm Schleswig-Holstein, Mecklenburg-Vorpommern, Niedersachsen, Sachsen-Anhalt và Rheinland-Pfalz) khi những người đứng đầu các bang này muốn người dân trong bang vẫn được hưởng "kỳ nghỉ không tiếp xúc" trong dịp lễ Phục sinh, bất chấp tỷ lệ lây nhiễm ở mức cao.

[Thêm một chính trị gia Đức từ chức liên quan đến "bê bối khẩu trang"]

Theo báo Bild, Thủ tướng Merkel đã chuyển sang họp nhóm ở quy mô nhỏ hơn để thảo luận về các biện pháp cứng rắn nhằm ứng phó với sự bùng phát mạnh của các biến thể mới.

Những người tham gia cuộc họp nhóm nhỏ ngoài Thủ tướng Merkel còn có Thị trưởng Berlin Michael Müller, Thủ hiến Bayern Markus Söder và Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz.

Cuộc họp trên ban đầu được cho sẽ thảo luận về việc nới lỏng phong tỏa, song đã phải chuyển theo hướng siết chặt trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ 3 đang bùng phát trở lại ở tất cả các bang với sự lây lan mạnh của các biến thể mới, vốn chiếm trên 72% số ca lây nhiễm mới.

Theo dự thảo nghị quyết cuộc họp được chuẩn bị trước đó, các biện pháp hạn chế hiện nay sẽ tiếp tục được áp dụng, trong đó các cơ sở văn hóa, giải trí vẫn bị đóng cửa, trong khi các khu vực có chỉ số lây nhiễm cao sẽ phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo.

Tại hội nghị gần đây nhất, Thủ tướng Merkel và các thủ hiến bang nhất trí từng bước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế trong trường hợp tình hình dịch bệnh thuyên giảm. Trong trường hợp ngược lại, các bang có chỉ số lây nhiễm vượt trên 100/100.000 dân/7 ngày thì sẽ phải "kéo phanh khẩn cấp."

Tính tới tối 22/3, trên cả nước Đức đã có 10/16 bang có chỉ số vượt trên 100, đặc biệt bang Thüringen có chỉ số lên tới 209,7. Hiện chỉ số trung bình trong 7 ngày ở Đức là 107,3, mức cao nhất kể từ ngày 26/1.

Liên quan tình hình ngân sách của Đức, đại dịch COVID-19 kéo dài đang khiến nền kinh tế đầu tàu châu Âu đội thêm các khoản nợ mới.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, Chính phủ liên bang đang có kế hoạch bổ sung khoản nợ mới gần 142 tỷ euro trong năm nay và năm tới.

Riêng trong năm 2021, dự thảo ngân sách bổ sung khoản vay thêm là 60,4 tỷ euro và khoản vay ròng trong năm 2020 là 81,5 tỷ euro.

Tính tổng từ năm 2020 đến 2022, núi nợ liên bang sẽ tăng khoảng 450 tỷ euro do hậu quả của đại dịch COVID-19.

Theo kế hoạch, Quốc hội Đức cũng sẽ đình chỉ phanh nợ năm thứ ba liên tiếp đối với ngân sách năm 2022.

Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz tiếp tục lập kế hoạch với các khoản nợ mới cho đến năm 2025, nhưng trong khuôn khổ của trần nợ, cho phép nợ mới ở mức thấp. Để "hỗ trợ" cho các khoản nợ mới, các khoản dự trữ tiết kiệm sẽ được sử dụng hết vào năm 2023 và 2024.

Dự thảo ngân sách cho năm 2022 sẽ được soạn thảo và trình Nội các vào cuối tháng Sáu. Tuy nhiên, ngân sách này sẽ chỉ được thông qua với Quốc hội mới sau cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 26/0 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục