Alba rút khỏi IADB

Các nước Alba rút khỏi Hội đồng phòng thủ liên Mỹ

Các thành viên Liên minh Boliva cho các dân tộc châu Mỹ là Venezuela, Bolivia, Ecuador và Nicaragua tuyên bố sẽ rút khỏi IADB.
Venezuela, Bolivia, Ecuador và Nicaragua, đều là thành viên Liên minh Boliva cho các dân tộc châu Mỹ (Alba), sẽ rút khỏi Hội đồng phòng thủ liên Mỹ (IADB).

Tại cuộc họp báo chung của trưởng đoàn các nước này hôm 6/6 nhân dịp dự Hội nghị bộ trưởng ngoại giao OAS tại thành phố Antigua của Guatemala, Ngoại trưởng Ecuador, Ricardo Patiño, cho biết quyết định trên được đưa ra vì IADB “không có tác dụng gì” và "chỉ phục vụ lợi ích của Mỹ."

Ông Patiño coi IADB đã tự khai tử khi không bảo vệ Argentina trong cuộc chiến với Anh đòi chủ quyền quần đảo Malvinas năm 1982.

Một lý do khác của quyết định trên là Alba thúc đẩy một học thuyết phòng thủ hoàn toàn khác và bảo vệ quyền lợi của các nước Mỹ Latinh.

IADB được thành lập năm 1942 và là một cơ quan của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) có nhiệm vụ cố vấn cho OAS và các nước thành viên trong chính sách quốc phòng và an ninh.

Quyết định rút khỏi IADB của bốn quốc gia trên sẽ được thông báo chính thức tại hội nghị thượng đỉnh bất thường của Alba vào tháng tới tại thành phố Guayaquil (Ecuador).

Việc rút khỏi IADB là một phần trong nỗ lực của Alba đòi cải tổ các thể chế liên Mỹ, đặc biệt là Ủy ban nhân quyền liên Mỹ (CIDH).

Ông Patiño cho biết Alba thúc đẩy chuyển trụ sở của CIDH từ Mỹ sang một nước khác, vì Mỹ chưa thông qua Công ước về nhân quyền châu Mỹ (CADH), và cơ quan này bị Washington chi phối.

Tháng 4 năm ngoái, cố Tổng thống Venezuela Hugo Chávez cho biết nước này sẽ rút khỏi CIDH vì đây là cơ chế được Mỹ sử dụng để chống lại Venezuela.

Tương tự như vậy, tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Ecuador, Rafael Correa, không loại trừ việc nước ông sẽ “chia tay” CIDH mà theo ông đã bị các nước theo chủ nghĩa bá chủ như Mỹ giật dây phục vụ quyền lợi của Washington và hành động vượt quá chức năng cho phép.

Tháng 3 mới đây, Tổng thống Bolivia, Evo Morales, cũng tuyên bố nước ông xem xét “nghiêm túc” việc rút khỏi CIDH, bị ông ví như một “căn cứ quân sự” của Mỹ, được Washington tài trợ để phán quyết về nhân quyền đối với các nước khác./.

Quang Sơn/Buenos Aires (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục