Giá dầu thế giới nới rộng đà phục hồi trong phiên giao dịch ngày 23/4, sau khi các nước sản xuất dầu chủ chốt thông báo sẽ đẩy mạnh cắt giảm sản lượng theo kế hoạch để ứng phó sự sụt giảm mạnh trong nhu cầu do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 96 xu Mỹ, hay 4,7%, lên 21,33 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,72 USD/thùng, hay 19,7%, và đóng phiên ở mức 16,50 USD/thùng.
John Kilduff, đối tác của quỹ phòng hộ Again Capital LLC ở New York, cho rằng ngành dầu mỏ Mỹ đang có những phản ứng thực sự với giá dầu ở mức siêu thấp, và điều này đang phần nào giúp giá “vàng đen” phục hồi đôi chút.
[Tổng thống Mỹ: Hải quân được khai hỏa vào tàu chiến Iran quấy nhiễu]
Ông Kilduff đang muốn nhắc đến sự sụt giảm trong số giàn khoan dầu của Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016, cũng như việc sản lượng dầu thô của nước này đã giảm 100.000 thùng/ngày trong tuần trước xuống còn 12,2 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, Kuwait ngày 23/4 cho hay đã bắt đầu cắt giảm nguồn cung dầu ra thị trường quốc tế trước cả ngày 1/5, thời hạn bắt đầu có hiệu lực của thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, vừa đạt được mới đây.
Trong khi đó, các nguồn tin cho hay Nga cũng đang tìm kiếm các phương án giảm sản lượng và có thể sẽ phải dùng đến cách tự tiêu thụ dầu của chính mình.
Sản lượng của nước này đã không thay đổi nhiều từ tháng Ba đến nay.
Ngoài ra, giá dầu khởi sắc trên thị trường một phần được cho là do những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc chỉ thị lực lượng hải quân "bắn hạ" các tàu của Iran nếu "có hành động khiêu khích" các tàu Mỹ tại vùng Vịnh.
Theo các nhà phân tích của UBS, giá dầu thường tăng khi căng thẳng xảy ở vùng Vịnh do những lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, những tuyên bố như vậy của Tổng thống Mỹ sẽ có tác động lớn tới giá dầu trong thời gian tới./.