Việc phát triển nguồn năng lượng sạch đang được các nước trên thế giới quan tâm nhằm giảm ảnh hưởng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, góp phần cải thiện đời sống của người dân, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là lĩnh vực được chú trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phóng viên TTXVN tại Indonesia dẫn báo Jakarta Toàn cầu đăng bài phân tích của tác giả Shamshad Akhtar, Trợ lý cấp cao Ủy ban Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết trong năm 2015, các nước khu vực này đã đầu tư tổng cộng 160 tỷ USD cho việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển năng lượng sạch.
Đây là một con số rất ấn tượng, chiếm hơn một nửa tổng số ngân sách toàn cầu cho lĩnh vực này, đồng thời cho thấy năng lượng tái tạo đã sẵn sàng để thay đổi quan niệm, cách thức tiếp cận nguồn năng lượng truyền thống của người dân khu vực này.
Trong bài viết với tựa đề: “Các nước châu Á-Thái Bình Dương đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo,” tác giả nhận định mặc dù khu vực này được thế giới đánh giá cao về những đóng góp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tích cực xóa đói giảm nghèo từ đầu những năm 2000, tuy nhiên hiện vẫn còn tới gần nửa tỷ người tại đây chưa có điều kiện tiếp cận các nguồn năng lượng, trong đó chủ yếu ở các vùng xa xôi hẻo lánh.
Theo bài viết, hiện có một loạt phương pháp tiếp cận, lựa chọn phát triển các nguồn năng lượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó, nguồn năng lượng Mặt Trời với lợi thế chi phí thấp và khả năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, từ phục vụ sản xuất, tiêu dùng đến các công trình quân sự, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các nguồn năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển hệ thống lưới điện mini, hệ thống hybrid, khí sinh học và các hệ thống thủy điện loại nhỏ tùy thuộc vào nguồn lực cũng như kinh phí của từng địa phương.
Bangladesh đã tài trợ để phát triển nửa triệu hệ thống nhà năng lượng Mặt Trời; Nepal cũng đang tích cực phát triển các thiết bị khí sinh học và hệ thống các thủy điện mini; Ấn Độ tích cực thực hiện hợp tác công-tư trong việc điện khí hóa nông thôn, theo đó đã đưa lưới điện đến 32 triệu hộ gia đình trong vòng một thập kỷ qua.
Người dân được tiếp cận với nguồn điện lưới là một thuận lợi lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dịch vụ, tạo điều kiện để phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp tại địa phương.
Việc tiếp cận, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo với giá thành hợp lý cũng là một mục tiêu xóa đói giảm nghèo của khu vực.
Tại hội nghị mới đây, các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã lên kế hoạch hành động nhằm tăng cường phát triển các nguồn năng lượng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Điều này sẽ tạo ra khung chính sách thích hợp cho việc mở rộng khả năng của các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này, theo đó họ sẽ được tiếp cận các nguồn vốn từ các ngân hàng của quốc gia cũng như khu vực để mở rộng, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân của khu vực trong việc tiếp cận nguồn năng lượng sạch, phục vụ đời sống, phát triển kinh tế, xã hội./.