Họp về giá lương thực

Các nước chủ chốt G-20 sắp họp về giá lương thực

Các nước chủ chốt của Nhóm G-20 có kế hoạch họp khẩn cấp nhằm giải quyết tình trạng giá lương thực đang tăng vọt hiện nay.
Hãng tin Reuters ngày 13/8 đưa tin các nước chủ chốt trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) có kế hoạch họp khẩn cấp nhằm giải quyết tình trạng giá lương thực tăng vọt sau đợt hạn hán nghiêm trọng nhất ở Mỹ mới đây và vụ mùa thất bát ở "vựa" lúa mỳ Biển Đen.

Tin cho biết Pháp, Mỹ và nước Chủ tịch G-20 Mexico sẽ tổ chức cuộc họp qua điện thoại vào cuối tháng Tám này để quyết định liệu có triệu tập "Diễn đàn phản ứng nhanh" bàn cách tránh lặp lại tình trạng bạo loạn xã hội vì giá lương thực tăng, như đã từng xảy ra ở các nước nghèo hồi năm 2008. Năm ngoái, G-20 thành lập diễn đàn này nhằm thúc đẩy các cuộc thảo luận sớm giữa các nhà hoạch định chính sách về các điều kiện thị trường bất thường với mục đích tránh hành động đơn phương.

Một quan chức Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết nước này sẽ cùng Mỹ và Mexico thảo luận báo cáo về giá lương thực do Hệ thống Thông tin Thị trường Nông nghiệp (AMIS) cung cấp; và trong trường hợp cần thiết, "Diễn đàn phản ứng nhanh" sẽ được tổ chức vào đầu tháng 9 tới. G-20 thành lập AMIS hồi năm ngoái trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Pháp nhằm chia sẻ thông tin về giá ngũ cốc trên quan điểm tránh lặp lại khủng hoảng lương thực như năm 2008.

Các chức vụ Chủ tịch "Diễn đàn phản ứng nhanh" và AMIS hiện do Pháp đảm nhiệm và sẽ được chuyển giao cho Mỹ vào tháng 10 tới. Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), xác nhận đang theo dõi tình hình hàng ngày và sẽ cử đại diện tham dự nếu G-20 triệu tập phiên họp đầu tiên của "Diễn đàn phản ứng nhanh."

Ngày 10/8 vừa qua, giá ngũ cốc chuẩn Chicago lên mức cao mọi thời đại sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ cắt giảm khoảng 17% sản lượng nông sản này. Đợt tăng giá ngũ cốc lần thứ ba trong bốn năm qua làm dấy lên những quan ngại mới về nguồn cung lương thực và lạm phát. Tuy nhiên, giới quan sát khẳng định các nước chủ chốt trong G-20 đã có những biện pháp "không thể tốt hơn" để kiểm soát giá lương thực.

Ngoài "Diễn đàn phản ứng nhanh" và AMIS, G-20 còn có một số công cụ khác, chẳng hạn như can thiệp trực tiếp bằng cách hối thúc Mỹ nới lỏng chính sách dùng nông sản để sản xuất nhiên liệu sinh học, hoặc đề nghị Nga không áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lương thực như nước này đã từng làm cách đây hai năm.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng Mỹ và EU, thế giới hiện có lượng dự trữ gạo và lúa mỳ đầy đủ hơn thời kỳ 2007-2008 và không có tình trạng thiếu lương thực ở châu Âu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục