Các nước đưa ra chính sách kinh tế như thế nào để đối phó COVID-19?

Nhưng để đối phó với đại dịch COVID-19, các nhà hoạch định chính sách đang đưa ra những can thiệp lớn và triệt để. Đặt nền kinh tế vào tình trạng thời chiến được cho là tạm thời.
Các nước đưa ra chính sách kinh tế như thế nào để đối phó COVID-19? ảnh 1Một tuyến phố ở New York, Mỹ ngày 19/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo tạp chí Economist của Anh, các nước giàu đang thực hiện các chính sách kinh tế quyết liệt để đối phó với đại dịch COVID-19 và lịch sử cho thấy rằng các tác động của đại dịch này sẽ là lâu dài.

Tổng thống Mỹ Donald Trump lập luận rằng: “Sự can thiệp của chính phủ không phải là sự tiếp quyền kiểm soát của chính phủ. Mục đích của sự can thiệp không phải là làm suy yếu thị trường tự do mà chính là để bảo tồn thị trường tự do.”

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chỉ rõ rằng “các hành động chính sách chưa từng có được thực hiện bởi các ngân hàng trung ương và chính phủ trên toàn thế giới.”

“Xé rào” quy tắc

Phản ứng kinh tế đối với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-09 là đủ lớn.

Nhưng để đối phó với đại dịch COVID-19, các nhà hoạch định chính sách đang đưa ra những can thiệp thậm chí còn lớn hơn, triệt để hơn. Đặt nền kinh tế vào tình trạng thời chiến được cho là tạm thời.

Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử 500 năm quyền lực của chính phủ cho thấy một kết quả khác: Nhà nước có thể sẽ đóng một vai trò rất khác trong nền kinh tế, không chỉ trong khủng hoảng mà cả lâu dài sau đó.

Các phản ứng chính sách là nhanh chóng và có tính quyết định. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã cắt giảm lãi suất trên 0,5% từ tháng 1/2020 và đã đưa ra các chương trình nới lỏng định lượng mới rất lớn (bỏ tiền mua trái phiếu).

Các chính trị gia đang mở các van tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế. Quốc hội Mỹ đã thông qua luật tăng chi tiêu lớn gấp đôi so với gói cứu trợ của Tổng thống Barack Obama năm 2009.

Trên hết, Anh, Pháp và các quốc gia khác đã thực hiện bảo lãnh tín dụng trị giá tới 15% GDP để ngăn chặn một loạt các vụ vỡ nợ.

Theo tính toán thận trọng nhất, chi tiêu kích thích của các chính phủ trong năm nay sẽ vượt quá 2% GDP toàn cầu, một cú hích lớn hơn nhiều so với năm 2007-2009.

Ngay cả Đức, nước có chính sách tài khóa chính trực thường bị các nhà kinh tế trêu đùa, cũng đang chi tiêu nhiều hơn.

Năm ngoái, tổng chi tiêu chính phủ chiếm 38% GDP của thế giới các nước giàu có.

Trong khi đó, nỗ lực kích thích, kết hợp với sự sụt giảm GDP trong vài tháng tới, sẽ đẩy tỷ lệ này lên trên 40%, có lẽ là mức cao nhất từ trước đến nay.

Mặc dù vậy, nếu chỉ tập trung vào con số sẽ bỏ qua những điều quan trọng. Có những thay đổi quan trọng về chất lượng trong cách thức các nhà hoạch định chính sách quản lý nền kinh tế - những trách nhiệm mà họ tự mình nắm giữ, những gì được coi là một hành động hợp pháp và không hợp pháp, và các tiêu chí được sử dụng để đánh giá chính sách là thành công hay thất bại.

Về những biện pháp này, thế giới đang ở giai đoạn đầu của một cuộc cách mạng về hoạch định chính sách kinh tế.

Các ngân hàng trung ương thực tế đã cam kết in tiền theo nhu cần để giảm chi phí đi vay của chính phủ.

Các nước đưa ra chính sách kinh tế như thế nào để đối phó COVID-19? ảnh 2Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Paris, Pháp ngày 6/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngân hàng trung ương châu Âu hứa rằng dù gì cũng sẽ mua mọi thứ chính phủ phát hành; điều này sẽ làm giảm khoảng cách về chi phí đi vay giữa các nước thành viên yếu và các nước mạnh vốn đang nới rộng ra trong những ngày đầu của đại dịch.

Ngày 23/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cam kết sẽ mua số lượng không giới hạn trái phiếu Kho bạc và chứng khoán được thế chấp bởi đại lý nếu cần thiết.

Trong khi đó, nhu cầu vay thêm của Mỹ để kích thích sẽ được đáp ứng, ít nhất là ban đầu, bằng việc Fed mua trái phiếu, giống như in tiền để tài trợ cho thâm hụt tài chính.

Fed cũng đã công bố các chương trình mới để hỗ trợ dòng tín dụng cho các công ty và người tiêu dùng.

Định chế này giờ sẽ là người cho vay trực tiếp cuối cùng đối với nền kinh tế, không chỉ là người cho hệ thống tài chính vay.

Các chính trị gia cũng đang “xé rào” quy tắc. Trong một cuộc suy thoái tiêu chuẩn, các công ty được phép phá sản và người dân trở thành thất nghiệp.

Ngay cả trong thời kỳ kinh tế bình thường, khoảng 8% doanh nghiệp ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phá sản mỗi năm, trong khi đó 10% lực lượng lao động mất việc. Bây giờ, các chính phủ hy vọng có thể ngăn chặn hoàn toàn điều này xảy ra.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ không công ty nào phải “đối mặt với nguy cơ phá sản” vì chịu tác động của đại dịch này.

Trong khi đó, Larry Kudlow, Giám đốc của Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ, gọi chương trình kích thích tài chính của Mỹ là “chương trình hỗ trợ lớn nhất trong lịch sử Mỹ” khi so sánh với việc bảo lãnh cho Phố Wall một thập kỷ trước.

Cuối cùng, các chính phủ trong khắp thế giới giàu có đang chuyển các khoản tiền lớn cho các công ty, cung cấp cho họ các khoản tài trợ và các khoản vay giá rẻ trong một nỗ lực nhằm bảo vệ việc làm và ngăn chặn các công ty phá sản.

[IMF tăng cường hỗ trợ tài chính cho 25 quốc gia nghèo nhất thế giới]

Trong một số trường hợp, chính phủ đang trả tiền lương cho những người không thể làm việc. Cụ thể, EU đã áp dụng chính sách này, trong khi Anh sẽ trả tới 80% tiền lương của những người lao động phải nghỉ làm do đại dịch.

Gói hỗ trợ của Mỹ bao gồm các khoản vay giành cho các doanh nghiệp nhỏ mà khoản vay này sẽ được xóa nếu người lao động không bị sa thải.

Các hộ gia đình trên khắp thế giới giàu có đang được hỗ trợ tạm thời đối với các khoản vay thế chấp, các khoản nợ khác, tiền thuê nhà và các hóa đơn tiện ích. Ở Mỹ, mọi người cũng sẽ được nhận các tờ séc trị giá tới 1.200 USD.

Đại đa số các nhà kinh tế ủng hộ các biện pháp này. Về cơ bản, các biện pháp này là tạm thời, được thiết kế để giữ cho nền kinh tế không rơi vào tình trạng hôn mê cho đến khi đại dịch qua đi, khi đó thế giới được cho là sẽ quay trở lại hiện trạng.

Nhưng lịch sử cho thấy rằng việc quay trở lại những ngày trước COVID-19 là không thể. Hai bài học nổi bật.

Thứ nhất là sự kiểm soát của chính phủ đối với nền kinh tế có một bước tiến lớn trong thời kỳ khủng hoảng, đặc biệt là trong chiến tranh.

Thứ hai, các lực lượng khuyến khích chính phủ giữ lại và mở rộng kiểm soát kinh tế mạnh hơn các lực lượng khuyến khích việc từ bỏ sự kiểm soát đó, nghĩa là việc mở rộng quyền lực nhà nước “tạm thời” có xu hướng trở thành lâu dài.

Trong những thế kỷ gần đây, chi tiêu của chính phủ trên khắp thế giới tư bản đã tăng vọt. Trong những năm 1600, chi tiêu của toàn bộ nhà nước Anh chiếm khoảng 5% GDP, thực tế không có chi tiêu cho y tế hay giáo dục, cũng không có nhiều quy định về đời sống kinh tế.

Điều đó bắt đầu thay đổi, từ thế kỷ 18 và từ cuối thế kỷ 19, Anh và các nước tư bản khác đã thấy sự can thiệp của nhà nước ngày càng tăng, với việc nhiều nguồn lực của chính phủ được dành cho các sản phẩm công, như phúc lợi xã hội và giáo dục, và sự gia tăng thuế tương xứng.

Chính phủ có một số thời kỳ đói kém. Ở Anh, chi tiêu nhà nước thời Nữ hoàng Victoria tính theo tỷ lệ GDP giảm - mặc dù phần lớn là do tăng trưởng kinh tế quá nhanh và không tính đến chi tiêu của chính quyền địa phương vốn trở nên cực kỳ mạnh mẽ trong giai đoạn này. Trong những năm 1980, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã thành công trong việc ổn định chi tiêu liên bang của nước này.

Những cải cách của ông, cũng như của Thủ tướng Margaret Thatcher ở Anh, đã làm giảm vai trò của chính phủ trong việc ấn định giá cả; tư nhân hóa đã khuyến khích các công ty hoạt động vì lợi nhuận cung cấp các dịch vụ trước đây nhà nước thực hiện như điện và vận tải. Tuy nhiên, ngay cả trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Reagan, số trang của các quy định liên bang đã tăng 14%.

Một tính toán sau cho thấy trong số hơn 50 quốc gia có dữ liệu tài chính dài hạn, 2/3 có tỷ lệ chi tiêu của chính phủ trên GDP tăng trong giai đoạn từ năm 1988 đến 2018.

Tỷ lệ chi tiêu công của Mỹ trên GDP cao hơn 8% so với năm 1962, khi nhà kinh tế học Milton Friedman viết “Chủ nghĩa tư bản và Sự tự do,” cuốn sách cảnh báo về sự nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội.

Các nhà sử học tranh luận về lý do tại sao khu vực công có xu hướng mở rộng.

Vào thế kỷ 19, nhà kinh tế người Đức Adolph Wagner cho rằng khi các nơi trở nên giàu có hơn, nhu cầu đối với chính phủ tăng lên. Một quy trình sản xuất ngày càng phức tạp sẽ cần nhiều quy định và việc bắt tuân thủ hợp đồng hơn.

Theo lý thuyết, những người giàu hơn cũng sẽ yêu cầu cung cấp phúc lợi xã hội nhiều hơn, có lẽ vì họ ít phải lo lắng về tình hình vật chất của chính mình và do đó có thể chuyển sự chú ý của họ sang những người khác.

Các lý thuyết của Adolph Wagner cũng chỉ ra cái các nhà kinh tế gọi là “độ trễ” trong chính sách tài khóa. Chính phủ có thể định chỉ tăng chi tiêu trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó kỳ vọng thay đổi, làm cho chủ nghĩa bành trướng đó khó bị gỡ bỏ. Suy nghĩ chung hiện tại là nhà nước phải cung cấp giáo dục cho trẻ em mà cha mẹ không phải trả khoản phí nào hoặc phải hỗ trợ những người không có việc làm.

Chính phủ Mỹ trong những thập kỷ gần đây đã cắt giảm phần chi tiêu công dành cho phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, về mặt chính trị vẫn không thể đưa về mức của những năm giữa 1960, trước khi “cuộc chiến chống đói nghèo” của Tổng thống Lyndon Johnson được phát động.

Kết quả cuối cùng là trong khi rất dễ để tăng chi tiêu nhà nước, khó hơn nhiều để kéo nó xuống.

Tuy nhiên, có lẽ bài học quan trọng nhất trong 500 năm lịch sử là không có gì giúp thúc đẩy quyền lực nhà nước ở châu Âu và châu Mỹ mạnh hơn các cuộc khủng hoảng.

Các nhà sử học nhìn chung đồng ý rằng sự phát triển của năng lực tài chính của các nước tư bản từ những năm 1700 trở đi có liên quan đến nhu cầu tham gia các cuộc chiến tranh ngày càng ngổn ngang và đắt đỏ, đặc biệt là những nước sử dụng hải quân và có chiến trường ở xa (cuộc chiến 7 năm 1756-1763 được coi là cuộc chiến toàn cầu đầu tiên vì có sự tham gia của rất nhiều quốc gia và chiến trường thường là ở nước ngoài).

Để giành chiến thắng, các quốc gia đòi hỏi sự quản lý ngày càng phức tạp, có nguồn lực tốt để có thể cung cấp vũ khí và thực phẩm chưa bị thối rữa cho các chiến binh. Các quốc gia này cũng cần tiền để trả cho những thứ đó bằng cách đánh thuế nhiều hơn hay trở thành một người đi vay đáng tin cậy trên thị trường.

Đổi lại, năng lực nhà nước tăng lên cho phép sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản mà chúng ta biết đến ngày nay, với các thị trường được điều tiết hợp lý, viễn thông và giao thông hiệu quả, các công dân khỏe mạnh và có giáo dục.

Những người chiến thắng trong các cuộc chiến đó cũng giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên, từ đường và gia vị cho đến sợi lanh, thứ không thể thiếu đối với công nghiệp hóa.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các nhà sử học cho rằng các cuộc chiến tranh và các cuộc khủng hoảng khác là một động lực của sự phát triển kinh tế.

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Lan, quốc gia đầu tiên theo chủ nghĩa tư bản vào thế kỷ 17, đúng lúc có sức mạnh hải quân vượt trội trên thế giới, chiến đấu và giành chiến thắng trong nhiều cuộc chiến ở giai đoạn này; hoặc Anh, nước thống trị các vùng biển vào thế kỷ 18, sau đó trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo Larry Neal thuộc Đại học Illinois, Cuộc cách mạng công nghiệp “đã xảy ra đúng trong các cuộc chiến tranh của Napoleon” cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19.

Những phản ứng đối với các cuộc khủng hoảng kể từ đó đã củng cố thêm sức mạnh của nhà nước.

Thuế thu nhập của Pháp là 0 vào năm 1914, một năm sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất, mức thuế này là 50%. Canada đã đưa ra thuế thu nhập vào năm 1917 như là một biện pháp “tạm thời” để cung cấp tài chính cho cuộc thế chiến này.

Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, thuế thu nhập ở Mỹ đã chuyển từ “thuế giai cấp” sang “thuế đa số” với số người nộp thuế tăng từ 7 triệu vào năm 1940 lên 42 triệu vào năm 1945 (ngày nay số người Mỹ phải nộp thuế nhiều hơn gấp đôi).

Chiến tranh thế giới thứ hai cũng dẫn đến những yêu cầu đòi đưa ra hệ thống phúc lợi suốt đời. Động lực của chiến tranh lạnh cũng vậy: Các chính phủ trên khắp thế giới tư bản muốn ngăn chặn một cuộc nổi loạn cộng sản.

Mô hình do nhà nước lãnh đạo được các nước châu Âu theo đuổi từ những năm 1950 đến 1970, trong đó các quan chức nhà nước kiểm soát các dịch vụ từ mạng lưới điện đến các hệ thống giao thông, có thể là kỳ quái nếu chưa từng trải qua thời chiến, khi nhà nước trên thực tế quản lý mọi thứ và người dân hy sinh rất nhiều, trên chiến trường hoặc ở nhà.

Một hệ tư tưởng mới

Những ảnh hưởng lâu dài của đại dịch COVID-19 là gì? Bắt đầu với quy mô của nhà nước.

Trong năm tới, nợ chính phủ sẽ tăng mạnh vì chi tiêu tăng vọt và thu thuế giảm mạnh. Khi nền kinh tế phục hồi, sự chú ý sẽ chuyển sang trả nợ.

“Vốn và Hệ tư tưởng,” một cuốn sách mới của nhà kinh tế người Pháp Thomas Guletty, cho thấy sau chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, nhiều chính phủ phương Tây đã chuyển sang đánh thuế thu nhập và tài sản nặng hơn đối với những người giàu có nhất để đạt được mục tiêu trả nợ đó.

Một lựa chọn khác là “đàn áp tài chính,” theo đó chính phủ buộc người dân phải cho chính phủ vay với lãi suất thấp hơn thị trường.

Những thay đổi của các ngân hàng trung ương cũng có hậu quả lâu dài. Rất ít nhà kinh tế tin rằng sự hợp tác rõ ràng giữa các cơ quan tài khóa và tiền tệ có nguy cơ sớm tạo ra lạm phát phi mã, như từng xảy ra ở Venezuela và Zimbabwe (nếu có bất cứ điều gì đáng lo ngại thì lo ngại lớn hiện nay là giảm phát, nhất là do giá dầu giảm).

Tuy nhiên, giống như việc sử dụng biện pháp nới lỏng định lượng trong năm 2008-2009 đã mở ra cơ hội cho nhiều vấn đề tương tự, sẽ khó khăn hơn để lập luận rằng “cây tiền ma thuật” không tồn tại.

Các chính trị gia trong tương lai có thể dựa vào các ngân hàng trung ương để chốt lãi suất ở mức 0 nhằm hỗ trợ cho Chính phủ vay mượn, ngay cả trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp thấp.

Nếu các ngân hàng trung ương hứa hỗ trợ Chính phủ trong thời kỳ đại dịch COVID-19, họ có thể hỏi tại sao không tài trợ để khởi động một cuộc chiến tốn kém chống lại kẻ thù nước ngoài hoặc đầu tư vào một Thỏa thuận xanh mới?

Tác động cuối cùng của các can thiệp hiện tại liên quan đến khả năng chịu rủi ro của các nhà hoạch định chính sách. Không ai cổ vũ khi một công ty phá sản, nhưng thường thì quy trình này giúp chuyển các nguồn lực từ những người sử dụng kém hiệu quả sang người sử dụng hiệu quả hơn, do đó, theo thời gian, sẽ nâng cao năng suất và mức sống trung bình.

Các nước đưa ra chính sách kinh tế như thế nào để đối phó COVID-19? ảnh 3Người dân mua hàng trong siêu thị tại Jena, Đức ngày 6/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Nguồn: THX/TTXVN)

Khái niệm mới lại cho rằng Chính phủ cần phải bảo vệ các công ty, việc làm và thu nhập của người lao động bằng mọi giá có thể tồn tại, đặc biệt là nếu sự can thiệp đó thành công theo các nghĩa hẹp.

Chính sách này sẽ chính thức chấm dứt khi đại dịch qua đi, nhưng áp lực chính trị sẽ đòi hỏi các chương trình hỗ trợ tương tự, từ việc quốc hữu hóa các công ty khó khăn đến việc đảm bảo thu nhập cơ bản chung, có thể sẽ cao hơn khi đợt suy thoái mạnh tiếp theo xảy ra.

Nếu các chính trị gia có thể bảo vệ việc làm và thu nhập trong cuộc khủng hoảng này, nhiều người sẽ thấy không có lý do gì họ lại không cố gắng trong lần khủng hoảng tiếp theo.

Kêu gọi một chính phủ tích cực hơn về tài khóa và tiền tệ sẽ đi ngược lại với yêu cầu cơ cấu cao hơn đối với chi tiêu nhà nước.

Khu vực công có xu hướng cung cấp các dịch vụ sử dụng nhiều lao động, những lĩnh vực mà việc cải thiện năng suất là khó khăn, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Lương của các lĩnh vực này phải tương ứng với mức lương của lao động trong các lĩnh vực khác để có thể duy trì ngay cả khi các lĩnh vực này có năng suất kém hơn so với nền kinh tế nói chung - một hiện tượng làm tăng chi phí dự phòng.

Từ lâu trước đại dịch COVID-19, các chuyên gia về tài chính đã lập luận rằng chi tiêu của chính phủ sẽ tăng vọt trong những năm 2020, ngay cả khi không có khủng hoảng.

Điều đó không chỉ là do dân số già làm tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, mà còn bởi vì các hệ thống y tế có thể điều trị rất nhiều bệnh một cách hiệu quả hơn, điều này cũng thúc đẩy chi phí tăng lên.

Những ảnh hưởng kinh tế của đại dịch vượt xa vai trò của nhà nước. Các quốc gia thậm chí có thể trở nên ít hoan nghênh người nhập cư hơn - họ tin rằng như thế là có thể giảm khả năng lây nhiễm từ người nước ngoài.

Theo cùng một logic đó, sự phản đối đối với việc phát triển các trung tâm đô thị đông đúc có thể tăng lên, do đó hạn chế xây dựng nhà ở mới và tăng chi phí lên.

Nhiều quốc gia có thể tìm cách tự cung tự cấp trong việc sản xuất các mặt hàng “chiến lược” như thuốc, thiết bị y tế và thậm chí cả giấy vệ sinh, góp phần kéo lùi tiến trình toàn cầu hóa.

Nhưng việc định nghĩa lại vai trò của nhà nước có thể là sự thay đổi đáng kể nhất. Các quy tắc của trò chơi đã đi theo một hướng trong nhiều thế kỷ. Một thay đổi căn bản khác đang xuất hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục