Các nước Liên minh châu Âu tăng cường phát triển năng lượng xanh

Công suất tấm quang điện Mặt Trời (PV) mới của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu vào năm 2022 là 41,4 giagawatts (GW), tăng 47% so với năm trước đó.
Các nước Liên minh châu Âu tăng cường phát triển năng lượng xanh ảnh 1Tại Tây Ban Nha, năng lượng gió và Mặt Trời chiếm tới 46% tổng sản lượng điện quốc gia. (Nguồn: AP)

Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh bằng cách thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như gió và Mặt Trời. Những dữ liệu công bố mới đây cho thấy tỷ lệ "điện xanh" đạt mức cao ở một số quốc gia châu Âu vào năm 2022.

Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp năng lượng Mặt Trời châu Âu, công suất tấm quang điện Mặt Trời (PV) mới của 27 nước thành viên EU vào năm 2022 là 41,4 gigawatts (GW), tăng 47% so với năm trước đó.

Dữ liệu của Ember - tổ chức tư vấn năng lượng có trụ sở tại Anh - cho thấy trong tháng 4/2022, Bồ Đào Nha đã đạt được cột mốc quan trọng khi 51% điện năng của nước này  đến từ năng lượng gió và Mặt Trời. Đây là lần đầu tiên Bồ Đào Nha vượt mốc 50% sản lượng điện hằng tháng là từ các nguồn tái tạo.

Trong năm 2022, Bồ Đào Nha đã lắp đặt 0,9 GW tấm quang điện Mặt Trời, qua đó nâng tổng công suất năng lượng Mặt Trời lên 2,5 GW.

Chuyên gia phân tích Matt Ewen cho rằng: "Bồ Đào Nha đang bước vào giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi năng lượng. Năng lượng gió và khả năng kết nối điện Mặt Trời đã thay thế than đá vào năm 2021, trong khi điện Mặt Trời đang dần giảm thiểu vai trò của khí đốt trong lưới điện."

[Năng lượng tái tạo tăng trưởng kỷ lục trong năm 2022]

Tại Tây Ban Nha, năng lượng gió và Mặt Trời chiếm tới 46% tổng sản lượng điện quốc gia, trong đó nguồn cung từ Mặt Trời đóng góp mức kỷ lục 4,2 terawatt-giờ (TWh) vào 4/2022.

Trong khi đó, Cơ quan thống kê quốc gia Phần Lan cho biết trong tháng này, tỷ lệ điện tái tạo chiếm mức cao kỷ lục 75% tổng sản lượng tiêu thụ điện. Điện gió tăng 41% trong năm 2022, chiếm tới 14,1% tổng sản lượng tiêu thụ điện, tương đương 11,6 TWh.

Bộ Kinh tế và Lao động Phần Lan cho biết nước này đang có kế hoạch mở rộng sản xuất năng lượng gió từ đất liền sang các vùng ven biển.

Đan Mạch cũng hưởng lợi khi tiên phong triển khai các cam kết phát triển năng lượng xanh. Trong năm 2022, điện gió chiếm tới 48% sản lượng hệ thống điện quốc gia, trong khi điện gió ngoài khơi đạt mức đáng kể 2,3 GW.

Áo là quốc gia tiên phong toàn cầu trong sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Bộ Hành động vì khí hậu, Môi trường, Năng lượng, Di động, Đổi mới và Công nghệ Áo cho biết nước này có 78% sản lượng điện đến từ nguồn năng lượng xanh.

Chính phủ Áo đang hướng tới tham vọng loại bỏ năng lượng hóa thạch và đạt mức trung hòa carbon lần lượt vào năm 2030 và 2040. Để đạt được mục tiêu này, Áo đang có kế hoạch lắp đặt 1 triệu tấm quang điện Mặt Trời nhằm tăng sản lượng điện xanh lên 27 TWh trong năm 2030.

Từ lâu đã nổi tiếng là quốc gia sản xuất thủy điện, Thụy Điển có 43% tổng sản lượng điện quốc gia sản xuất từ nước trong năm 2021. Trong khi đó, năng lượng gió và điện Mặt Trời chiếm tổng cộng 18%.

Ngày 16/5 vừa qua, Chính phủ Thụy Điển đã phê duyệt 2 dự án điện gió cách bờ biển phía Tây nước này khoảng 20km và dự kiến cung cấp khoảng 6,5 TWh mỗi năm.

Tại Đức, Văn phòng thống kê liên bang của nước này cho biết điện than vẫn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất điện năm 2022. Tuy nhiên, năng lượng gió đã trở thành nguồn đóng góp thứ hai trong mạng lưới điện của nước này trong năm ngoái với 24,1%, trong khi điện Mặt Trời là 10,6%.

Trong tương lai, Đức đang tìm cách tăng công suất điện Mặt Trời lên 400 GW vào năm 2040. Giám đốc điều hành Hiệp hội công nghiệp năng lượng Mặt Trời Đức Carsten Koernig cho biết tham vọng này đòi hỏi tăng gấp 3 lần công suất lắp đặt điện Mặt Trời trong vòng 3 năm tới.

Còn tại Croatia, chuyên gia năng lượng Ivor Balen cho biết năng lượng tái tạo hiện chiếm 29% tổng sản lượng tiêu thụ điện, trong đó điện gió và điện Mặt Trời là 2 nguồn phát triển với tốc độ nhanh nhất. Theo Chiến lược phát triển quốc gia, Croatia đặt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 36,4% và chạm mốc 88% trong các năm 2030 và 2050.

Chuyên gia phân tích Nicolas Fulghum của Ember cho biết sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng gió và Mặt Trời đã bắt đầu mang lại lợi ích sau mùa Đông đầy u ám.

Ông nhận định rằng mùa Xuân năm nay, năng lượng tái tạo đã giúp giảm bớt tác động của hạn hán, hạ bớt giá điện, cũng như lượng khí thải ra môi trường trên toàn EU. Dự báo xu hướng đó sẽ tiếp tục gia tăng trong mùa Hè này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục