Các nước phương Tây cảnh báo leo thang căng thẳng tại Libya

Các đại sứ Pháp, Italy, Anh và Mỹ tại Libya cùng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình leo thang căng thẳng giữa các lực lượng chính phủ và một nhóm vũ trang tại thủ đô Tripoli những ngày gần đây.
Các nước phương Tây cảnh báo leo thang căng thẳng tại Libya ảnh 1 Hiện trường vụ tấn công tại trạm kiểm soát ở thị trấn Zliten ngày 23/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 29/8, các đại sứ Pháp, Italy, Anh và Mỹ tại Libya cùng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình leo thang căng thẳng giữa các lực lượng chính phủ và một nhóm vũ trang tại thủ đô Tripoli trong những ngày gần đây.

Trong một thông báo chung, các đại sứ lo ngại các cuộc xung đột trong thời gian gần đây xảy ra cả ở trong nội đô và xung quanh thủ đô Tripoli có thể khiến tình hình thêm bất ổn và đe dọa cuộc sống của người dân.

Các đại sứ cảnh báo tình hình có thể diễn biến xấu hơn, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và bắt đầu đối thoại hòa bình. Đại sứ của bốn quốc gia trên cũng xác nhận ủng hộ nỗ lực của Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Ghassan Salame nhằm sớm thiết lập cơ chế đối thoại giữa các đảng phái tại Libya.

[Giao tranh bùng phát dữ dội tại thủ đô Tripoli của Libya]

Trong thời gian gần đây, tại khu vực phía Nam của thủ đô Tripoli liên tục xảy ra xung đột giữa lực lượng chính phủ và một nhóm vũ trang dù trước đó Bộ trưởng Nội vụ Abdulsalam Ashour từng thông báo đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực thủ đô.

Trong những ngày qua, nhóm vũ trang này liên tục gia tăng khiêu khích và huy động lực lượng cả bên trong và bên ngoài thành phố. Theo Bộ Y tế Libya, các cuộc đụng độ đã khiến năm người thiệt mạng và 33 người khác bị thương.

Libya rơi vào bất ổn kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị.

Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông được Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn. GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội riêng, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục