Các phe phái đối địch Libya tiến hành vòng đàm phán mới tại Maroc

Vòng đàm phán mới giữa các phe phái đối địch của Libya đã diễn ra tại thành phố Skhirat của Maroc ngày 27/8 tập trung vào việc đạt một thỏa thuận về chính phủ đoàn kết dân tộc.
Các phe phái đối địch Libya tiến hành vòng đàm phán mới tại Maroc ảnh 1Đàm phán hòa bình giữa đại diện hai Chính phủ Libya do Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Bernardino Leon chủ trì tại Geneva ngày 12/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) thông báo vòng đàm phán mới giữa các phe phái đối địch của Libya đã diễn ra tại thành phố Skhirat của Maroc ngày 27/8.

Cuộc thương lượng này tập trung vào việc thúc đẩy tiến trình đối thoại với hy vọng hoàn tất thỏa thuận chính trị Libya, trong đó có việc đạt một thỏa thuận về chính phủ đoàn kết dân tộc.

UNSMIL cho biết Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC - tức cơ quan lập pháp cũ của Libya) đã thông báo không tham gia vòng đàm phán tại Skhirat do phải tổ chức lại nhóm đàm phán sau khi hai thành viên từ chức. Tuy nhiên, GNC khẳng định duy trì cam kết về tiến trình đàm phán và sẽ tham gia vòng đàm phán tiếp theo.

Báo cáo Hội Đồng Bảo an Liên hợp quốc trước thềm vòng đàm phán mới, Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Libya Bernardino Leon ngày 25/8 bày tỏ tin tưởng tiến trình đối thoại chính trị của Libya đang tiến đến những giai đoạn cuối, sau 7 tháng kể từ khi UNSMIL khởi động tiến trình này.

Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Liên minh Hồi giáo vũ trang "Bình minh Libya" chiếm thủ đô Tripoli hồi tháng 8/2014 và thành lập một chính phủ tại đây. Trong khi đó, chính phủ và quốc hội được quốc tế công nhận phải dời đến thành phố Tobruk ở miền Đông.

Xung đột đã gây ra khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng và 435.000 người phải sơ tán, đẩy đất nước vào tình trạng thiếu lương thực và thuốc men.

Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đóng vai trò trung gian đối thoại giữa các phái đối địch ở Libya, song xung đột vẫn tiếp diễn bất chấp việc các bên đã thông qua một lệnh ngừng bắn.

Trong một diễn biến khác cùng ngày 27/8, các quan chức của Ai Cập và Libya đã họp bàn về việc mở cửa trở lại cửa khẩu Musaid trên biên giới Ai Cập-Libya nhằm đảm bảo an ninh cho các công dân hai nước đi lại qua tuyến biên giới này.

Tuyến biên giới Ai Cập-Libya dài 1.000km đã trở thành mối đe dọa an ninh lớn đối với Cairo trong những năm gần đây, khi lực lượng chống chính phủ tìm cách buôn lậu vũ khí vào Ai Cập.

Musaid, cửa khẩu biên giới chính nối Ai Cập với Libya, đã bị đóng sau khi lực lượng an ninh Libya mất quyền kiểm soát khu vực này vào ngày 15/8 vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục